Ông Lưu Trung Thái tại Đại hội cổ đông thường niên MB
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên MB sáng nay, trả lời chất vấn của cổ đông, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc MB cho hay, năm 2020, cho vay kinh doanh bất động sản tại MB chỉ chiếm 3,3% tổng dư nợ. Quý I/2021, tỷ lệ cho vay bất động sản tại MB tăng lên nhưng vẫn nằm trong nhóm ngân hàng cho vay bất động sản thấp nhất thị trường.
Về lĩnh vực cho vay tiêu dùng, theo ông Lưu Trung Thái, ngân hàng thiết kế cho vay tiêu dùng cá nhân chỉ xoay quanh 5% tổng dư nợ, riêng cho vay khách hàng cá nhân chiếm khoảng 35-36% tổng dư nợ.
Theo báo cáo tài chính quý I/2021, dư nợ cho vay liên quan đến hộ gia đình của MB chiếm 32% tổng dư nợ. Như vậy, các khoản vay mua nhà, sửa nhà của các cá nhân, hộ gia đình được MB tính gộp vào danh mục này thay vì tính gộp vào tín dụng bất động sản như trước đây.
Liên quan tới câu hỏi của cổ đông vì sao không chia cổ tức tiền mặt, ông Lưu Trung Thái cho hay, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu vừa để đáp ứng yêu cầu của NHNN (đề nghị các ngân hàng ưu tiên chia cổ tức bằng cổ phiếu), vừa đáp ứng yêu cầu phát triển dài hạn của ngân hàng.
Năm nay, MB trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn thêm gần 10.700 tỷ đồng với ba cấu phần: Chia cổ tức 35% bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ cho Viettel và công ty con, phát hành cổ phiếu ESOP. Việc tăng vốn sẽ giúp MB cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR), nhờ đó có thêm không gian để tăng trưởng.
Tại ĐHĐCĐ sáng nay, trả lời câu hỏi của cổ đông về việc bao giờ tăng vốn điều lệ lên 5 tỷ USD, ông Lưu Trung Thái cho hay, căn cứ vào khả năng tăng trưởng hàng năm của ngân hàng, ban lãnh đạo đưa ra lộ trình tăng vốn phù hợp để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn. Với tốc độ phát triển như hiện nay, khả năng năm 2022, MB sẽ đạt quy mô vốn điều lệ 2 tỷ USD. Mục tiêu vốn điều lệ 5 tỷ USD - theo ông Thái – không nên đặt ra, thay vào đó cần tính toán huy động và sử dụng nguồn lực như thế nào để phù hợp nhất, hiệu quả nhất.
Lý giải về việc phát hành riêng lẻ cho Viettel, lãnh đạo MB cho biết, MB có lượng khách hàng lên tới 50 triệu thuê bao, có 6 triệu thuê bao của Viettel là khách hàng của MB. Viettel cũng là cổ đông lớn nhất mà còn có sự hỗ trợ rất lớn cho ngân hàng. Vì vậy, việc phát hành riêng lẻ cho Viettel không thể tùy tiện nâng cao mà còn phụ thuộc vào lợi ích 2 bên.
Về nợ xấu, theo ông Lưu Trung Thái, hiện tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại MB đã lên tới 158%. Về số nợ cơ cấu lại theo Thông tư 01, ông Thái cho biết, cuối 2020, dư nợ cơ cấu của MB là 3.400 tỷ, đầu năm khoảng 9.000 tỷ nhưng sau đó khách hàng đã trả nợ và cuối năm còn 3.400 tỷ, hiện còn khoảng hơn 2.000 tỷ, như vậy tác động cơ bản là không đáng kể.
Quý 1/2021, lợi nhuận trước thuế của MB đạt 4.580 tỷ đồng, tăng 108% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý, thu từ các khoản nợ đã xử lý của MB lên tới hơn 1.100 tỷ đồng, trong đó có nhiều khoản thu từ khách hàng lớn.
Theo Báo Đầu Tư
Link nội dung: https://btoday.vn/mb-thuoc-nhom-ngan-hang-co-ty-le-cho-vay-bat-dong-san-thap-nhat-thi-truong-a216.html