Bamboo Capital (Hose: BCG) là doanh nghiệp đa ngành Việt Nam với hơn 60 thành viên và liên kết, hoạt động kinh doanh trên 7 lĩnh vực cơ bản gồm: Năng lượng tái tạo; xây dựng và đầu tư hạ tầng, bất động sản; dịch vụ tài chính; sản xuất và nông nghiệp; dịch vụ vận hành và phân phối bất động sản; dược phẩm.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022, Công ty Cổ phần Bamboo Capital ghi nhuận tổng tài sản đạt mức hơn 41.505 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ so với đầu năm và tăng hơn 12.000 tỷ so với cùng kì năm ngoái. Bamboo Capital cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 522,3 tỷ đồng, tăng 358,6 tỷ đồng so với quý I/2021. Thành tựu này đến từ việc doanh thu và hoạt động tài chính có mức tăng trưởng khả quan.
Dòng tiền âm, gánh nặng nợ tăng cao
Ghi nhận mức lãi lớn trong quý I/2022 nhưng thực chất Bamboo Capital cũng cho thấy những rủi ro tài chính. Trong tổng tài sản đạt mức 41.505 tỷ đồng, có đến 30.354 tỷ đồng là nợ phải trả, vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 11.150 tỷ đồng. Điều này cũng cho thấy Bamboo Capital lệ thuộc rất lớn vào số nợ đang vay nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh.
Dòng tiền hoạt động kinh doanh tính đến 31/3/2022 âm 1.730 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái âm 1.439 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hoạt động kinh doanh âm là do các khoản thu tăng từ 617 tỷ đồng lên gần 1.120 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền hoạt động đầu tư âm đến 2.542 tỷ đồng, trong khi quý I/2021 chỉ âm 467 tỷ đồng. Tổng cộng dòng tiền hoạt động kinh doanh và đầu tư 3 tháng đầu năm 2022 âm đến 4.272 tỷ đồng.
Trong 4 quý gần nhất, tình trạng dòng tiền hoạt động kinh doanh chính tại Bamboo Capital liên tục âm. Quý I/2021 âm 1.439 tỷ đồng, quý II/2021 âm 6.416 tỷ đồng, quý III/2021 dương 845 tỷ đồng và quý IV/2021 âm 2.003 tỷ đồng.
Cùng với dòng tiền hoạt động kinh doanh chính liên tục âm, khối nợ đang “phình to” cũng là vấn đề lớn của Bamboo Capital. Kết thúc 3 tháng đầu năm 2022, tổng nợ vay tại Bamboo Capital đạt 15.198 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nợ phải trả, tăng 12% so với đầu năm, chiếm 36,6% tổng nguồn vốn và cao gấp 1,36 lần vốn chủ sở hữu.
Chủ nợ lớn nhất của Bamboo Capital là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank). Tính đến thời điểm 31/3/2022, dư nợ dài hạn tại VietinBank tăng 1.382 tỷ đồng so với đầu năm 2022; dư nợ vay ngắn hạn là 73 tỷ đồng. Bamboo Capital cũng vay Ngân hàng TMCP Tiên Phong với khoản vay lớn với 119 tỷ đồng vay ngắn hạn và vay dài hạn là 1.217 tỷ đồng.
Chi phí tài chính trong kỳ của Bamboo Capital tăng đến 108% lên gần 462 tỷ đồng do vay nợ liên tục. Điều này dẫn đến Bamboo Capital phải dành nhiều ngân sách để trả lãi. Trong đó, chi phí vay lãi quý I/2022 tại công ty này đạt 311.7 tỷ đồng tăng 131% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, tài sản dang dở dài hạn còn ở dự án bất động sản chưa hoàn thành như King Crown Infinity (TP Thủ Đức, TP.HCM) lên đến 1.293 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí xây dựng cơ bản dở dang khác với 1.888 tỷ đồng. Đứng đầu là dự án Nhà máy điện Phú Mỹ với 1.511 tỷ đồng, dự án Nhà máy điện mặt trời Krông Pa 2 với 298 tỷ đồng, sau cùng là dự án trung tâm thương mại Củ Chi với 434 triệu đồng.
Đồng thời, hàng tồn kho của doanh nghiệp vẫn ở mức cao. So với quý I/2021 tăng 323 tỷ đồng, tương đương 14,72% đạt 2.524 tỷ đồng. Tồn kho tập trung chủ yếu vào các chi phí sản xuất kinh doanh dở dang lên đến 2.288 tỷ đồng.
Tiền chuyển về đâu khi phát hành cổ phiếu ESOP?
Về thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 3/6/2022, mã cổ phiếu BCG được giao dịch với mức 20.600 đồng/cổ phiếu, giảm 100 đồng/cổ phiếu so với phiên giao dịch trước đó. So với phiên giao dịch ngày 1/4/2022, cổ phiếu BCG giảm 6.300 đồng/cổ phiếu so với mức 26.900 đồng/cổ phiếu.
Ngày 11/8/2022, Bamboo Capital đã công bố thông tin về việc phát hành hơn 5 triệu cổ phiếu ESOP. ESOP là cổ phiếu được công ty phát hành dành riêng cho đối tượng là nhân viên. Với 5 triệu cổ phiếu ESOP, tổng giá trị phát hành là 50 tỷ đồng. Nguồn vốn đến từ lợi nhuận thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2021, căn cứ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021.
Việc phát hành cổ phiếu ESOP khiến các nhà đầu tư lo ngại, mức độ ưu đãi cổ phiếu ESOP dễ kéo tụt mức giá hiện đang niêm yết trên thị trường đi xuống. Hơn nữa, việc phát hành cổ phiếu ESOP khiến dòng tiền dễ “chảy” vào các sếp lớn thay vì nhân viên. Hiện nay, cơ chế phát hành ESOP đa phần là uỷ quyền cho Hội đồng quản trị, các cổ đông nhỏ lẻ khó có thể tham gia bầu chọn.
Mới đây, Bamboo Capital chi gần 129 tỷ đồng mua trái phiếu chuyển đổi cổ phiếu TCD (thuộc công ty Tracodi) giá 12.500 đồng/cổ phiếu. Cụ thể, Bamboo Capital đã công bố Nghị quyết HĐQT thông qua việc nhận chuyển nhượng 128.750 trái phiếu của công ty con là Tracodi với giá 128,75 tỷ đồng. Việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu cũng mang nhiều rủi ro không có tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền, mã TCD-CB2020.
Võ Liên
Võ Liên
Link nội dung: https://btoday.vn/bamboo-capital-ganh-nang-no-vay-dong-tien-am-a1801.html