Từ 15h ngày 1/3, giá xăng được liên bộ Công thương - Tài chính công bố điều chỉnh tăng đồng loạt.
Cụ thể, giá xăng E5RON92 tăng thêm 540 đồng/lít, từ mức 25.531 đồng/lít lên mức 26.071 đồng/lít; giá xăng RON95-III tăng thêm 550 đồng/lít, từ mức 26.282 đồng/lít lên mức 26.832 đồng/lít.
Các mặt hàng dầu cũng điều chỉnh tăng, gồm dầu diesel tăng thêm 510 đồng/lít, từ mức 20.800 đồng/lít lên 21.310 đồng/lít; dầu hỏa từ mức 19.509 tăng thêm 470 đồng/lít, lên mức 19.979 đồng/lít; dầu mazut hiện có giá 17.930 đồng/kg tăng thêm 530 đồng/kg lên giá 18.460 đồng/kg.
Như vậy, giá xăng dầu tiếp tục thiết lập kỳ điều chỉnh tăng lần thứ 5 liên tiếp kể từ đầu năm đến nay do tác động của diễn biến giá thế giới tăng, là mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây, kể từ tháng 7/2014.
Giá vàng trong nước rạng sáng 3/3 tăng sốc với mức tăng cao nhất lên tới 1 triệu đồng, đưa giá vàng trong nước vượt ngưỡng 67 triệu đồng/lượng.
Theo các chuyên gia, những hậu quả tài chính mà Nga đang gánh chịu trước đòn trừng phạt của phương Tây và Mỹ đang khiến giới đầu tư lo ngại. Viễn cảnh áp lực lạm phát bùng mạnh đã giúp giá vàng giữ đà tăng mạnh. Ngoài ra, việc giá dầu đang được neo rất cao trên 100 USD/thùng đã làm gia tăng áp lực lạm phát trên toàn thế giới. Lạm phát tại châu Âu lên mức rất cao, trên ngưỡng 5% và có thể còn tiếp tục tăng nữa.
Thị trường vàng hiện bị chi phối chủ yếu bởi cuộc chiến giữa Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây lên Moscow. Cuộc tấn công của ông Putin vào Ukraine đã làm dấy lên lo ngại về sự suy thoái toàn cầu.
Hiện tại, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có dấu hiệu thận trọng trong quyết định tăng lãi suất. Fed có thể sẽ không tăng lãi suất với tốc độ mạnh 50 điểm phần trăm, mà thay vào đó là mức tăng 25 điểm phần trăm. Việc tăng lãi suất sẽ giúp đồng USD sẽ tăng giá, qua đó gây áp lực lên vàng.
Từ ngày 1/3, các doanh nghiệp kinh doanh gas đồng loạt tăng giá gas bán lẻ thêm 3.500 đồng/kg. Như vậy, giá bán lẻ mỗi bình gas 12 kg đã vượt mức 500.000 đồng.
Cụ thể, theo thông báo của Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương, giá các loại gas Pacific, City Petro, Vimexco Gas và Esgas tăng 42.000 đồng/bình loại 12kg và tăng 175.000 đồng/bình loại 50kg. Giá gas bán lẻ cao nhất là 524.500 đồng/bình 12 kg và 2.184.500 đồng/bình 50kg.
Công ty Saigon Petro cũng cho hay, giá bán gas Saigon Petro tăng 42.000 đồng/bình, giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng là 502.000 đồng/12kg.
Tương tự, Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam cũng thông báo, giá gas bán lẻ là 503.900 đồng/bình 12kg và 1.889.640 đồng/ bình 45kg.
Công ty TNHH Gas Petrolimex (Sài Gòn) và Công ty TotalEnergies LPG Vietnam cũng tăng giá gas với mức 42.000 đồng/bình 12kg.
Nguyên nhân là do giá gas thế giới hiện đang ở mức rất cao. Giá gas trong nước phụ thuộc vào giá gas thế giới do nguồn cung nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Đây là tháng thứ hai trong năm 2022, giá gas trong nước tăng mạnh. Trước đó, vào ngày 1/2, giá gas bán lẻ trong nước tăng 16.000 đồng/bình 12 kg.
Giá thép tăng trong bối cảnh chiến sự giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tính từ đầu năm đến nay, giá thép đã tăng 5,4%.
Trong khi đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc ở mức 737,5 nhân dân tệ/tấn (tương đương 116,85 USD/tấn), sau khi chạm mức 741 nhân dân tệ/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 15/2.
Giá nhôm thế giới gần đây tăng mạnh và đã đạt mức cao kỷ lục 3.525 USD/tấn vào ngày 28/2, trên sàn giao dịch London, Anh. Giá nhôm tăng cao kỷ lục do các lệnh trừng phạt tài chính với Nga khiến lo lắng về nguồn cung từ nhà sản xuất nhôm của Nga. Cụ thể, Rusal - nhà sản xuất nhôm của Nga - đã dừng sản xuất tại nhà máy luyện alumin Nikolaev ở Ukraine. Nga sản xuất khoảng 6% lượng nhôm của thế giới. Chiến sự tại Ukraine đã ảnh hưởng đến việc xuất khẩu nhôm của Nga, khiến nguồn cung nhôm cho thế giới giảm, dẫn đến giá tăng.
Ngày 28/2, giá than tương lai tại Newcastle (Australia) ở mức 275 USD/tấn, tăng 15% so với ngày trước đó. Đây là mức cao chưa từng có trong lịch sử của giá than.
Hiện nhu cầu cung cấp than cho nguồn điện, đặc biệt tại các quốc gia châu Âu tăng mạnh. Trong khi đó, Đức ngừng mua khí đốt của Nga và thay thế khí đốt bằng than khiến nguồn cung than càng hạn hẹp và đẩy giá lên cao.
Tháng 2, Nga cung cấp 3,3 triệu tấn than qua đường biển cho châu Âu. Cuộc chiến tại Ukraine đã ảnh hưởng lớn đến nguồn than từ Nga khiến giá than tăng mạnh.
Nhật Linh
Nhật Linh
Link nội dung: https://btoday.vn/giua-khung-hoang-nga-ukraine-nhieu-mat-hang-tang-gia-khung-a1635.html