Thời gian qua, lượng quỹ đặt tên "Ventures", Capital", "Holding" tại Việt Nam tăng đột biến và chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực tiền số. Các quỹ đầu tư này là nguồn vốn quan trọng cho dự án blockchain tiềm năng trong nước.
Bên cạnh các quỹ lớn, uy tín, tại Việt Nam tồn tại nhiều quỹ tự xưng hoạt động không đúng chức năng, có dấu hiệu lừa đảo, gây mất tiền của người tham gia.
"Hiện nay, có một số tổ chức, cá nhân hoạt động dưới tên gọi 'quỹ đầu tư tiền số' nhưng thực chất thường hoạt động theo mô hình đa cấp", luật sư Phan Vũ Tuấn, sáng lập công ty luật Phan Law, Phó chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ TP.HCM trả lời Zing.
Theo luật sư Tuấn, với tiền số nói chung và việc thành lập các quỹ đầu tư tiền số, hiện nay pháp luật chưa có quy định điều chỉnh cụ thể. Đồng thời, việc xác định tính hợp pháp của vấn đề này cần dựa trên phương thức hoạt động của quỹ.
Theo ông Thái Sơn, chuyên gia của Otis Report, nền tảng phân tích blockchain, tốc độ gia tăng của quỹ đầu tư tiền số tại Việt Nam tỉ lệ thuận với giá Bitcoin. Trong hai đợt tăng trưởng nóng 2017 và 2021, lượng quỹ mới xuất hiện nhiều hơn đáng kể. Đồng thời, khi thị trường đi xuống, số quỹ giảm đi rõ rệt.
Không chỉ tại Việt Nam, quỹ đầu tư mạo hiểm cũng hoạt động mạnh mẽ trên thị trường tiền số thế giới. “Các quỹ đầu tư mạo hiểm đã rót số vốn kỷ lục 30 tỷ USD, nhiều hơn tổng các năm trước cộng lại vào thị trường tiền mã hóa”, báo cáo của Bloomberg viết.
Ví dụ, Sky Mavis, công ty của đội ngũ người Việt đứng sau Axie Infinity đã huy động được 150 triệu USD, với mức định giá 3 tỷ USD trong vòng gọi vốn do liên doanh Andreesen Horowitz dẫn đầu.
Tại Việt Nam, số lượng tổ chức gắn tên quỹ đầu tư tiền số đang tăng đột biến. Khi người dùng tìm kiếm từ khóa “Ventures” trên nền tảng Facebook, Telegram kết quả cho ra hàng loạt quỹ đầu tư, hội nhóm hoạt động ở mảng tiền số, GameFi. Bên cạnh việc góp vốn, những trang thông tin này liên tục cập thông tin thị trường, quảng cáo cho dự án, “phím kèo” đầu tư.
Trao đổi với Zing, ông Phạm Hưởng, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của GFS Ventures, quỹ đầu tư Việt Nam trong danh sách đối tác của NEAR Protocol, cho rằng hiện có nhiều tổ chức tự xưng, trục lợi từ cộng đồng.
Ông Hưởng cho biết một quỹ đầu tư đạt chuẩn phải đảm bảo nhiều yếu tố bao gồm có đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng, thực hiện thẩm định dự án cùng ban quản trị, minh bạch các khoản đầu tư và được xác nhận của người tham gia. Hiện nhiều quỹ tự xưng ở Việt Nam không đạt đủ các tiêu chuẩn này.
Theo đó, quỹ GFS Ventures của ông Hưởng sáng lập được đăng ký kinh doanh tại Việt Nam và HongKong. “Hiện pháp luật chưa có quy định cho nhóm ngành blockchain nên chúng tôi đăng ký kinh doanh ở lĩnh vực công nghệ và tài chính”, ông Hưởng nói.
Ngoài ra, việc xác định đầu tư vào một dự án phải trải qua nhiều vòng thẩm định, đánh giá trước khi quyết định phân bổ nguồn vốn. “Hiện chúng tôi không kêu gọi vốn từ nhà đầu tư cá nhân. Trong nội bộ, các khoản đầu tư được công bố minh bạch cho ban quản trị và có văn bản ghi nhớ xác nhận rõ ràng”, ông Hưởng chia sẻ.
Hiện các quỹ đầu tư tiền số không đảm bảo tiêu chuẩn và hoạt động sai chức năng rất phổ biến. Phóng viên liên hệ ngẫu nhiên với một ''ventures" tự xưng trên ứng dụng nhắn tin Telegram để tìm hiểu về hoạt động của tổ chức. Khi được hỏi về giấy phép đăng ký hoạt động, P.A, người quản lý nhóm cho biết đây chỉ là kênh thông tin đầu tư, không phải quỹ như tên gọi.
Gần đây, người từng làm leader (trưởng nhóm) của nhóm đa cấp nhị phân (BO) bắt đầu tham gia vào lĩnh vực đầu tư tiền số. Trên thẻ xu hướng của ứng dụng TikTok, xuất hiện các video của L.M.H, sinh năm 1997, người từng đứng đầu hội nhóm đa cấp “tài chính hiphop 4.0”.
Trước đó, L.M.H là người dứng đầu hội nhóm OTB Group, thường xuyên đăng tải các nội dung khoe tiền, chia sẻ cách làm giàu nhờ "đầu tư tài chính". Tuy nhiên, mô hình nhóm này tham gia là một dạng quyền chọn nhi phân, giao dịch trên sàn Rosichi, tương tự nền tảng Wefinex, sàn giao dịch từng bị Công an TP.HCM cảnh báo lừa đảo.
Nhóm này chiêu dụ thành viên mới bằng cách xây dựng hình ảnh bản thân trên mạng xã hội là người trẻ tự lập, giàu có, hiểu biết nhiều về tài chính... Những người này theo đuổi phong cách hiphop, cá tính, hợp thời.
Sau một thời gian im ắng, đến gần đây H. trở lại làm video có nội dung liên quan đến tiền số, chia sẻ về những “kèo” đầu tư giúp tăng tài sản. Trên phần mô tả tài khoản của L.M.H, người này đặt đường dẫn sang cộng đồng Telegram có tên OTB Ventures, trước đây là hội nhóm nhị phân đa cấp OTB Group.
Trong kênh Telegram, quản trị viên của hội nhóm này liên tục quảng bá các dự án tiền số và những “kèo” PrivateFi. Đây là thuật ngữ mới xuất hiện để chỉ quyền mua sớm token dự án GameFi với giá tốt. Ngoài ra, quản trị viên của cộng đồng OTB Ventures cam kết rằng người tham gia sẽ lãi lớn, nhân 1.000 lần số vốn ban đầu.
Khi truy cập vào đường dẫn đăng ký tham gia vòng Private Sale của OTB Ventures, nhóm này yêu cầu người dùng nhập thông tin cá nhân và tương tác với các trang truyền thông của cộng đồng OTB.
Sau đó, nhà đầu tư cần đăng ký tham gia vòng bán sớm của loại tiền số có tên META. Kết quả trong đường dẫn vào biểu mẫu đăng ký không hiển thị bất kỳ sách trắng, lộ trình phát triển hay đội ngũ đứng sau. Nói một cách dễ hiểu, dự án tiền số META được OTB Ventures quảng bá không có thông tin minh bạch.
Trước đó, KV Venture, quỹ đầu tư đầu tư được đồng sáng lập bởi streamer ViruSs (Đặng Tiến Hoàng), từng công bố hợp tác với dự án Zuki Moba, một GameFi có nhiều dấu hiệu bất thường như không khóa token, chỉnh sửa roadmap, sai lộ trình phát triển.
Trong hội nhóm Telegram và kênh YouTube cá nhân, ông Hoàng nhiều lần nhắc đến Zuki Moba như một dự án tiềm năng, đáng để đầu tư. Sau đó, giá token ZUKI của Zuki Moba liên tục sụt giảm. Ông Đặng Tiến Hoàng bị nhiều người tố "lùa gà". Phía KV Ventures cũng nhanh chóng tuyên bố ngừng hợp tác với nam streamer sau sự việc nêu trên.
“Cả dự án và quỹ đầu tư của người Việt đều là mới, chưa có hoạt động trong quá khứ để chứng minh nên chủ yếu dựa vào danh tiếng cá nhân của người đứng sau. Quỹ đầu tư thường sẽ giữ uy tín với phía dự án. Còn với người hâm mộ, nhà đầu tư theo họ thì tôi không chắc”, ông Anh Huy, quản trị viên cộng đồng đầu tư tiền số có 90.000 thành viên nói với Zing.
Không dừng ở việc lôi kéo nhà đầu tư tham gia dự án, người đứng sau các quỹ đầu tư còn tự tạo ra GameFi, token để mời chào người dùng đầu tư. Bà Ngọc Diệu, nhà đầu tư vào dự án của CryptoBike cho biết đã xuống tiền khi được quỹ HT Ventures mời chào.
Tuy nhiên, theo những người được thuê gia công trò chơi CryptoBike, người đứng sau dự án là Đoàn Việt Hưng. Đồng thời, Hưng cũng chính là chủ của HT Ventures.
Đồng CB, tiền tệ trong game CryptoBike bị xả 60% lượng token dự án, khiến giá giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư thiệt hại vào hôm 1/1. Sau đợt bán tháo của dự án CryptoBike, Hưng khóa tài khoản Facebook. Đồng thời, cộng đồng của quỹ HT Ventures trên Telegram cũng không còn hoạt động. Riêng tài khoản Telegram cá nhân của Đào Việt Hưng đã được đổi tên.
Ngoài ra, ông Thái Sơn cho biết từng ghi nhận nhiều trường hợp nhà đầu tư tham gia quỹ để mua token dự án sớm. Tuy nhiên, khi giá đồng tiền số tăng cao, lãi vài vài trăm lần, phía quỹ đòi trả lại tiền cho người tham gia để chiếm trọn khoản lợi nhuận khổng lồ.
“Trong những trường hợp này, nhà đầu tư không còn cách nào khác ngoài việc ‘ngậm đắng’ nhận lại số tiền ban đầu. Người tham gia không thể khởi kiện chủ quỹ tội chiếm đoạt tài sản vì họ đã trả lại tiền góp vốn. Đồng thời, việc đầu tư chỉ được thỏa thuận qua tin nhắn, không có hợp đồng hay văn bản pháp lý nào”, ông Thái Sơn chia sẻ với Zing.
Những quỹ đầu tư ẩn danh, hoạt động thiếu minh bạch là vấn nạn nhức nhối của thị trường tiền số Việt Nam
Thái Sơn, chuyên gia từ Otis Report, nền tảng phân tích blockchain
Nguồn: Zing
Nguồn: Zing
Link nội dung: https://btoday.vn/hang-chuc-quy-lua-ga-giang-bay-nha-dau-tu-tien-so-o-viet-nam-a1568.html