Theo thống kê, lượng doanh nghiệp đăng ký đang hoạt động tại Việt Nam tăng từ 42.300 năm 2000 (khi Luật Doanh nghiệp 1999 vừa có hiệu lực), lên đến 758.610 năm 2019 (Tổng cục Thống kê Việt Nam 2019). Theo số liệu sơ bộ, số lượng số doanh nghiệp đăng ký năm 2020 là 134.000, giảm 2,3% so với năm 2019.
Phần lớn trong đó là các doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa và nhỏ, với số lượng nhân viên ít hơn 50 người, hoạt động trong các dịch vụ có năng suất tương đối thấp (như các cửa hàng bán lẻ và cửa hàng ăn nhỏ) cũng như sản xuất đơn giản, hướng đến thị trường nội địa thay vì xuất khẩu.
Tỷ lệ nghịch với số lượng tăng mạnh từ năm 2000 đến năm 2016, quy mô trung bình của doanh nghiệp tư nhân giảm khoảng 40%.
Mặc dù có một số doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước đã xuất hiện và có ảnh hưởng nhất định trong dòng chảy kinh tế thế giới, nhưng doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn kém hiệu quả hơn so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn hạn chế về đổi mới sáng tạo, và chưa tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Số lượng sáng kiến đổi mới sáng tạo do doanh nghiệp tự báo cáo dường như thấp hơn mức được kỳ vọng đối với một quốc gia có mức độ phát triển như Việt Nam. Đặc biệt, vẫn còn khoảng cách lớn và ngày càng gia tăng về năng suất giữa các công ty hàng đầu và các công ty phía sau, giữa các ngành và trong nội bộ từng ngành.
Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tính theo tỷ lệ % GDP, dòng vốn FDI vào Việt Nam lớn hơn Trung Quốc và hầu hết các nước lớn trong ASEAN. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quy mô lớn hơn nhiều so với doanh nghiệp trong nước, và giữ vai trò chủ lực trong sản xuất và xuất khẩu.
Việt Nam tập trung vào các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động, có độ phức tạp thấp và thuộc công đoạn lắp ráp cuối cùng của các chuỗi giá trị toàn cầu như hàng may mặc, giày dép và điện thoại di động. Tuy nhiên, FDI chưa đáp ứng được vai trò là chất xúc tác để tạo ra hiệu ứng lan tỏa cho khu vực tư nhân trong nước.
Các nhà đầu tư nước ngoài chỉ ra rằng, doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế trong việc đáp ứng yêu cầu về chất lượng, số lượng, thời gian giao hàng và giá cả. Ngoài ra, còn thiếu các chính sách hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Trong khi đó, thống kê năm 2018 cho thấy, doanh nghiệp tư nhân trong nước chiếm 60,6% việc làm; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 31,8%; và doanh nghiệp Nhà nước chiếm 7,6%. Dù nắm giữ tổng số việc làm thấp, nhưng doanh nghiệp Nhà nước vẫn giữ dấu ấn to lớn trong kinh tế Việt Nam và có thể cản trở đầu tư tư nhân.
Theo ghi nhận, số lượng doanh nghiệp Nhà nước đã giảm dần theo thời gian, khối này vẫn giữ vị trí thống lĩnh trong nền kinh tế, đóng góp gần 1/3 tổng GDP.
Tại Việt Nam, Nhà nước nắm giữ đa số cổ phần trong 1.500 công ty, trong đó có khoảng 740 công ty niêm yết trên hai sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP.HCM. Đến năm 2017, Nhà nước giữ cổ phần đa số trong ít nhất 6 trong số 10 công ty hàng đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Mặc dù Việt Nam đang tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước với quy mô lớn, tiến độ vẫn còn chậm so với kế hoạch.
Việc Nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo trong những ngành có vai trò hỗ trợ hoạt động các ngành khác, đặc biệt trong những lĩnh vực mà Nhà nước không có cơ sở kinh tế hay xã hội để tham gia, có thể dẫn đến hạn chế đầu tư tư nhân và đổi mới sáng tạo
Theo các chuyên gia, tăng trưởng bền vững trong tương lai sẽ phụ thuộc vào việc chuyển dịch sang đầu tư tư nhân gắn với hiệu quả, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất.
Thực tế, quy mô và ảnh hưởng lớn của doanh nghiệp Nhà nước có thể cản trở cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và mới hoạt động. Tiềm năng gia nhập thị trường và hoạt động của doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng, hoặc bởi sự thống trị thị trường của doanh nghiệp Nhà nước, hoặc các doanh nghiệp có bề dày hoạt động.
Các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay đối với những doanh nghiệp Nhà nước có kết quả hoạt động yếu kém trên cơ sở phi thương mại, từ đó làm tăng chi phí vay. Trong khi đó, các công ty làm ăn có lợi nhuận tốt lại khó tiếp cận vốn vay. Các doanh nghiệp Nhà nước gặp khó khăn về tài chính có thể nhận được hỗ trợ của Nhà nước bằng việc việc xóa nợ và kéo dài thời gian trả nợ, hạn chế các nguồn lực lẽ ra có thể được chuyển đến các công ty tư nhân.
Trong khi đó, dù nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước đang trỗi dậy mạnh mẽ thành các tập đoàn kinh tế, nhưng các tập đoàn này dường như chưa có vị trí thống lĩnh. Thị phần doanh thu của các doanh nghiệp này trong các ngành tương ứng dao động từ 5% - 27%. Các tập đoàn lớn nhất chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại hơn là trong các ngành độc quyền tự nhiên hay mạng lưới hạ tầng.
Nhìn chung sự trùng lắp lĩnh vực hoạt động giữa các tập đoàn tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước không đáng kể, thế nhưng các tập đoàn lớn có thể sử dụng quy mô và ảnh hưởng để tạo ra rào cản đối với gia nhập thị trường hoặc tăng trưởng của các công ty tư nhân nhỏ hơn.
Với việc cải cách thị trường, sự tham gia nhiều hơn của khu vực tư nhân trong các ngành kinh tế có thể dẫn đến gia tăng đáng kể về năng suất và năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế, điều đã thấy trong ngành hàng không.
Trong giai đoạn phục hồi sau Covid-19, việc tạo điều kiện cho sự phát triển của một khu vực tư nhân năng động, đa dạng và năng suất cao là một nhiệm vụ bắt buộc của Việt Nam khi các nguồn lực công trở nên khan hiếm.
Đối với Việt Nam, lộ trình trở thành quốc gia có thu nhập cao đồng nghĩa với việc nâng cao giá trị gia tăng trong các lĩnh vực hiện có, dịch chuyển lên nấc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đa dạng hóa các ngành kinh tế cũng như các thị trường mới, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững và số hóa nền kinh tế. Nỗ lực này đòi hỏi phải giải quyết những hạn chế cản trở tăng trưởng, năng suất, và đa dạng hóa của khu vực kinh tế tư nhân.
Nhật Linh
Nhật Linh
Link nội dung: https://btoday.vn/doanh-nghiep-tu-nhan-viet-nam-con-gap-nhieu-kho-khan-a1260.html