Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu như AmCham Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, EuroCham và KoCham vừa có thư gửi lãnh đạo Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch cho Việt Nam để ngăn chặn và kiểm soát Covid-19, từ đó xác định một con đường để tái mở cửa an toàn và phục hồi kinh tế.
Các hiệp hội cảm ơn lãnh đạo Chính phủ về những buổi làm việc để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, tình hình ngày càng trở nên gay gắt hơn. "Điều quan trọng là Việt Nam phải hành động ngay bây giờ để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đồng thời không bị tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế", các Hiệp hội nêu trong thư.
Theo đó, các Hiệp hội cho rằng, chiến lược “sống chung với virus một cách an toàn” là chính sách đúng đắn, đặc biệt là ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để tái mở cửa một cách an toàn, tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi và thiết lập trạng thái “bình thường mới”. Điều đó có nghĩa là sẽ thoát khỏi quy trình Chỉ thị 15 hoặc 16 hoặc các biện pháp hạn chế tương tự trong tương lai.
Thống kê cho thấy, ít nhất 20% thành viên sản xuất của các Hiệp hội nước ngoài đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang quốc gia khác và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng. Một khi sản xuất thay đổi, rất khó để quay trở lại, đặc biệt là khi dây chuyền sản xuất đã được mở rộng ở nơi khác.
"Đầu tư sẽ không tăng nếu không có kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa và phục hồi. Các doanh nghiệp hiện còn nhiều kế hoạch đầu tư bị trì hoãn, do những bất ổn vì dịch bệnh. Các nhà đầu tư tiềm năng mới không thể đến nếu không có các chính sách hợp lý cho việc nhập cảnh của người nước ngoài. Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn để tận dụng đa dạng hóa chuỗi cung ứng đi từ Trung Quốc nếu không thể chứng minh đây là một sự thay thế đáng tin cậy. Để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, kể cả so với Malaysia, Indonesia và Thái Lan, Việt Nam phải hành động ngay từ bây giờ", các hiệp hội nhấn mạnh.
Sản xuất cần phải tái mở cửa để thiết lập trạng thái "bình thường mới” ngay bây giờ. Các doanh nghiệp có hồ sơ theo dõi đã được chứng minh, có kế hoạch rõ ràng cần được kích hoạt để đảm nhận trách nhiệm đối với hoạt động và an toàn của người lao động, với sự giám sát sau khi thực hiện của cơ quan chức năng.
Mô hình bong bóng sản xuất được tạo ra ở TP.HCM và các tỉnh khác để cho phép hoạt động liên tục trong thời gian Covid-19 là một biện pháp tạm thời cực kỳ hữu ích. Nhưng các mô hình này không hoạt động tốt đối với các nhà máy lớn, sử dụng nhiều lao động, chẳng hạn như trong lĩnh vực giày dép và may mặc. Các mô hình này không bền vững lâu dài, xét về mặt chi phí, hậu cần, và sức khỏe, an toàn và tinh thần của người lao động.
Chính vì vậy, để có thể thực hiện mở cửa kinh tế an toàn, vắc xin chính là yếu tố then chốt. Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cho rằng các nhóm ưu tiên tiêm vắc xin nên tập trung vào nhân viên y tế tuyến đầu, người cao tuổi, những người có bệnh lý nền, người giao hàng, người bán hàng thực phẩm và sản phẩm y tế thiết yếu, công nhân tại các khu công nghiệp, cảng và hậu cần. Đặc biệt là ở TP.HCM và khu vực phía Nam, cho cả liều đầu tiên và liều thứ 2.
Về thẻ xanh và thẻ vàng, các hiệp hội này cho rằng đây là một phần hữu ích của chiến lược tái mở cửa, nhưng đặt ra rất nhiều câu hỏi. Trong đó có vấn đề về ứng dụng công nghệ hoặc hệ thống theo dõi, điều phối giữa các ban ngành và các tỉnh để cho phép việc nhận dạng, tiếp cận và đi lại một cách nhất quán. Ngoài ra, cần có một cơ chế để nhập liệu các lần tiêm chủng và cấp thẻ xanh cho những người nước ngoài đã được tiêm chủng đầy đủ.
"Khi tiến tới trạng thái bình thường mới, ngoài việc tiêm chủng nhiều hơn, điều quan trọng là phải có sự phối hợp chính sách đồng bộ trên toàn quốc, bao gồm vận chuyển, xét nghiệm và quá trình loại bỏ F0 nhanh chóng, đảm bảo an toàn cho người lao động, giảm thiểu tác động đến các hoạt động", các Hiệp hội nêu.
Nhật Linh
Nhật Linh
Link nội dung: https://btoday.vn/nhieu-doanh-nghiep-nuoc-ngoai-khong-quay-tro-lai-viet-nam-a1172.html