Theo chia sẻ của ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Asean cho biết, 3 đợt dịch trước, Việt Nam đã trải qua quãng thời gian an toàn. Trong khi đó, đa số phần còn lại của thế giới chìm trong dịch bệnh. Các doanh nghiệp đa quốc gia đã phải nếm trải những hệ lụy rất khủng khiếp, chính từ trong những tình huống khó khăn như thế họ phải tự phát triển ra những quy trình để đảm bảo sản xuất.
Tuy không đạt 100%, nhưng công suất hoạt động được duy trì ở mức cao nhất có thể, phù hợp với tình trạng kiểm soát dịch. Trong suốt năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, những quy trình đó giúp họ thích nghi rất tốt với điều kiện dịch đang tiếp diễn ở các quốc gia.
"Những doanh nghiệp của chúng tôi từ các kinh nghiệm như thế, không phải chờ đến đợt bùng phát dịch thứ 4 họ mới áp dụng quy trình sản xuất an toàn phòng ngừa Covid-19, mà họ đã áp dụng từ năm 2020. Cho nên đến khi đợt dịch lần này bùng ra, khả năng chống chịu của họ tốt hơn các doanh nghiệp trong nước chưa chuẩn bị", ông Thành nói.
Trong khi đó, do quá trình chống dịch trước đây của Việt Nam tốt, nên doanh nghiệp trong nước có quãng thời gian rất là dài để tận dụng lợi thế gia tăng sản xuất. Lượng xuất đi trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021 của Việt Nam rất cao. Tuy nhiên, điều này vô tình tạo ra bất lợi là doanh nghiệp tập trung vào sản xuất để bù lại phần thiếu hụt của thế giới, không có nhiều thời gian, nguồn lực, thậm chí có một phần chủ quan để xây dựng quy trình sản xuất an toàn.
"Giờ chúng ta mới bắt đầu xây dựng quy trình sống với dịch an toàn thì các doanh nghiệp trên thế giới đã vào guồng từ lâu", ông Thành nhận xét.
Cũng theo ông Thành, các doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Asean đáng lý vẫn có thể hoạt động được vì đã có sẵn quy trình an toàn, nhưng nó lại không thể hoạt động đơn lẻ mà phụ thuộc vào tình hình giãn cách của các địa phương đặt cơ sở sản xuất. Khi thành phố đóng cửa, doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng chung.
"Chúng tôi cho rằng, để tính đến lộ trình mở cửa an toàn, chính phủ nên phân loại doanh nghiệp theo năng lực đáp ứng tiêu chí về sản xuất an toàn. Tập trung nguồn lực để hỗ trợ các doanh nghiệp bị đuối trong bảng xếp hạng hiện nay, để làm sao khi mở cửa trở lại các doanh nghiệp sẽ có cùng một xuất phát điểm, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn. Lúc đó nền kinh tế mới phát triển ổn định được", ông Thành đề xuất.
Đồng thời, ông Thành cũng khẳng định việc tắt - bật nền kinh tế hiện nay cũng không còn phù hợp nữa. Thị trường cần khả năng đoán định, các doanh nghiệp cần có kế hoạch rõ ràng để đáp ứng nhu cầu kinh doanh.
"Nếu Việt Nam không đảm bảo được kỳ vọng của các thị trường trọng yếu thì Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Mỹ cũng không thể hỗ trợ nữa, khi mà không nhìn thấy hiệu quả. Việt Nam bắt buộc phải tính đến việc tái hoạt động, không phải sắp tới mà ngay từ bây giờ", ông Thành khẳng định.
Là doanh nghiệp có thị phần xuất khẩu lớn, ông Nguyễn Thanh Ngữ - Tổng Giám đốc Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa cho biết, khó khăn lớn nhất là tổ chức chuỗi cung ứng. Đây là mấu chốt quan trọng nhất để các doanh nghiệp có thể thiết kế và ổn định sản xuất.
Theo đó, mỗi doanh nghiệp đều có những kế hoạch kinh doanh từ nhiều tháng, thậm chí cả năm trước. Do vậy doanh nghiệp không thể hôm nay hoạt động, còn ngày mai không biết như thế nào. Vì vậy, cần sớm hoạt động để doanh nghiệp không rơi vào trạng thái ngủ đông, đảm bảo lưu thông hàng hóa xuyên suốt.
"Các doanh nghiệp hiện đều đã thích ứng với công nghệ trong tình hình dịch bệnh. Vì vậy, chúng tôi mong Chính phủ và các ban ngành có thể tập trung giải quyết vấn đề này, đưa ứng dụng công nghệ vào để có thể xử lý nhanh nhất, bỏ những quy định không cần thiết về giấy tờ, thời gian,…", ông Ngữ đề xuất.
Nhật Linh
Nhật Linh
Link nội dung: https://btoday.vn/neu-con-tat-mo-nen-kinh-te-doanh-nghiep-se-danh-mat-thi-truong-a1108.html