Tại sao mướp đắng rừng lại được săn lùng?

Mướp đắng rừng được nhiều người lùng mua với giá cao, giúp loại quả này trở thành mặt hàng sốt dẻo trên chợ online thời gian gần đây.

Theo nghiên cứu khoa học, mướp đắng rừng chứa hàm lượng kháng chất cao hơn nhiều so với mướp đắng được lai giống trồng đại trà, giúp cơ thể người tăng cường sức đề kháng, chữa rôm sảy, mụn nhọt ở trẻ nhỏ. 

Mướp đắng rừng, hay còn gọi là khổ qua rừng, là thực vật thuộc họ bầu bí mọc hoang dại ở các quốc gia nhiệt đới như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Caribbean,... 

Được biết tới như một loại quả dùng chế biến món ăn của người vùng cao, không phải ai cũng biết về công dụng tuyệt vời của mướp đắng rừng trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh về huyết áp, tiểu đường, chữa gout, tốt cho hệ tiêu hóa. 

Thời gian gần đây, mướp đắng rừng trở thành mặt hàng hot trên chợ online, nhiều người lùng mua với giá cao hơn giá mướp đắng thường từ 5 - 6 lần do có nhiều công dụng vượt trội. 

muop-dang-rung-3
Mướp đắng rừng có thể vừa làm thức ăn, vừa làm thuốc chữa bệnh.

Chị Hòa ở Cầu Giấy (Hà Nội) có chồng bị bệnh tiểu đường, men gan, huyết áp đều cao. Nghe mọi người chia sẻ thông tin về công dụng của mướp đắng rừng có thể giúp hạ đường huyết, ổn định huyết áp, hơn năm nay, chị liên tục lùng mua mướp đắng rừng về thái lát mỏng, phơi khô để hãm nước cho chồng uống. 

Chị Tràm, chủ một cửa hàng chuyên cung cấp đặc sản miền Tây Bắc ở Nam Từ Liêm (Hà Nội), chia sẻ: “Thời gian gần đây, có rất nhiều khách hỏi mua mướp đắng rừng nên mình nhờ người thân trên miền núi tới chợ phiên của bà con dân tộc thu mua giúp, chuyển xuống dưới xuôi để bán".

Mướp đắng rừng mọc hoang dưới chân núi đá hoặc leo trên thân những loài cây khác trong rừng. Mướp đắng rừng chỉ nhỏ bằng nửa mướp đắng thường, quả ngắn, nhìn hơi tròn, thân sần sùi, màu đậm. Trên miền cao, bà con dân tộc thường vào rừng hái mướp đắng về làm thức ăn hoặc thái lát mỏng phơi khô hãm nước uống.

Chị Tràm cho biết, vì mướp đắng rừng mọc hoang dại, sản lượng rất thấp, không phải lúc nào cũng có nên giá của mướp đắng rừng khá cao. Tại cửa hàng chị, khi nào hàng về đều, liên tục thì mướp đắng có giá 70.000 đồng/kg.

Thời điểm hàng khan hiếm, chị thu mua từ bà con miền ngược giá cao thì về dưới xuôi, giá chị bán cho khách cũng nhích lên khoảng 80.000 đồng/kg. 

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, vận chuyển hàng xuống xuôi khó, giá mướp còn nhỉnh hơn. Khi khách hỏi, chị cũng giải thích cặn kẽ cho khách. Nhiều khi khách phải đợi 10 ngày mới có mướp. 

Khách tìm mua mướp đắng rừng với nhiều mục đích khác nhau. Có người mua về để thưởng thức, xem mướp đắng rừng hương vị khác biệt so với mướp đắng trồng như thế nào. Họ chỉ mua số lượng ít, khoảng 1kg. Còn khách mua mướp đắng rừng về chữa bệnh, họ thường mua số lượng lớn, đôi khi có bao nhiêu lấy hết bấy nhiêu. Bởi thực ra, một chuyến hàng của mình chuyển xuống có khi chỉ được vài cân mướp, có chuyến chẳng có quả nào”. 

Cũng thu gom, bán hàng đặc sản miền núi, chị Thu Cúc ở Kim Ngưu (Hà Nội) kể: “Nhà mình mới bán mướp đắng rừng 2 năm nay, nhưng thi thoảng mới có hàng bán. Hầu như cứ có hàng rao trên trang là khách đặt mua ngay rồi, chẳng bao giờ có hàng tồn cả”. 

Nguyễn Hồng

Nguyễn Hồng

Link nội dung: https://btoday.vn/tai-sao-muop-dang-rung-lai-duoc-san-lung-a1028.html