Phát triển công nghiệp chip bán dẫn: Việt Nam đối mặt thách thức về nguồn nhân lực

Admin
(SHTT) - Chiều 9/10, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức họp báo thường kỳ quý III năm 2023. Trong đó, nhiều vấn đề liên quan tới phát triển công nghệ cao, công nghệ sinh học, đổi mới sáng tạo... được đề cập.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, việc các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ có chiến lược hợp tác với Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt liên quan đến bán dẫn, là cơ hội rất tốt để Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ ngành này trong thời gian tới. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là nguồn nhân lực. 

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 5.000 kĩ sư hoạt động trong lĩnh vực chip bán dẫn. Mỗi loại chip đều đòi hỏi công nghệ rất cao. Ông Nguyễn Phú Hùng cho biết: "Trong 3 khâu: Thiết kế, chế tạo và đóng gói, Việt Nam tập trung vào thiết kế. Đây là khâu đòi hỏi có nguồn nhân lực trình độ cao. Thời gian tới, chúng ta sẽ phải có cơ chế chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp tập đoàn trong và ngoài nước đầu tư các phòng thí nghiệm tại Việt Nam. Hoặc đầu tư các phòng thí nghiệm trong các viện trường có lĩnh vực này".

chip ban dan

 

"Chúng tôi khuyến khích các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài chung tay. Thông qua các chương trình phải đẩy mạnh là chuyển giao công nghệ, hợp tác song phương, đa phương đối với các nước có thế mạnh khoa học công nghệ lĩnh vực chip bán dẫn, từ đó tạo ra các nhóm nghiên cứu làm chủ công nghệ", ông Nguyễn Phú Hùng cho hay.

Mặt khác, để phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn phải xây dựng các chính sách đầu tư và hỗ trợ trang thiết bị đo lường kiểm định các sản phẩm của chip bán dẫn theo đúng chuẩn, góp phần rút ngắn thời gian sản xuất và đầu ra sản phẩm. Cùng với sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn.

Tại hội thảo, nội dung hoàn thiện nhiều chính sách quan trọng về Đổi mới sáng tạo cũng được đưa ra bàn luận. Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Bộ đã hoàn thiện trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 văn bản như Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ; Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; Nghị quyết về việc chuyển giao nguyên trạng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc quyền quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND thành phố Hà Nội quản lý; Chỉ thị về phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập.

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 08 dự thảo văn bản: Nghị định quy định về khu công nghệ cao; Nghị quyết ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về "Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới"; Quyết định phê duyệt giải pháp tổng thể về Khoa học và Công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động đến năm 2030; Quyết định quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên; Quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030; Quyết định phê duyệt Đề án Chuyển đổi số ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng; Quyết định phê duyệt Đề án "Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ và hội nhập quốc tế đến năm 2030, định hướng đến năm 2035"; Chỉ thị về thúc đẩy hoạt động Khoa học và Công nghệ và Đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam Bộ.

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ tháp tùng các đoàn công tác của lãnh đạo Chính phủ hoặc tổ chức các đoàn công tác của Bộ tham dự các Hội nghị/Hội thảo; tổ chức các buổi làm việc song phương với các đối tác quốc tế tại: Braxin, Cuba, Nhật Bản, Australia, Áo nhằm tăng cường quan hệ quốc tế về Khoa học và Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nước với các đối tác nước ngoài; tăng cường thu hút nguồn lực KH&CN từ nước ngoài vào Việt Nam; thúc đẩy ứng dụng công nghệ hạt nhân, nâng cao hiệu quả của các hoạt động thanh sát hạt nhân vì mục đích hòa bình và phát triển bền vững.

Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam. Theo Báo cáo GII 2023 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố ngày 27/9/2023, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp; là một trong 07 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Việt Nam cũng là một trong 03 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Cộng hòa Moldova và Việt Nam).

Minh Vân