'Ông vua' tiêu dùng Masan trả gần 13 tỷ đồng tiền lãi vay mỗi ngày

Trần Nhật Linh
Huy động hàng chục ngàn tỷ đồng từ trái phiếu, dư nợ vay của Tập đoàn Masan tính đến cuối năm 2021 ghi nhận hơn 58.000 tỷ đồng, chi phí lãi vay tăng 24% so với năm 2020, ghi nhận hơn 4.669 tỷ đồng.

Năm 2021, Masan đạt 88.629 tỷ đồng doanh thu, tăng 14,8%. Lợi nhuận thuần sau thuế phân bổ cho cổ đông tăng 594%, đạt 8.563 tỷ đồng, tăng cao gấp 7 lần.

Cũng trong năm 2021, Masan huy động được đến 2,3 tỷ USD từ các quỹ như SK Group hay nhóm đầu tư Alibaba và Baring Private Equity Asia cho đến cả các quỹ đầu tư hàng đầu thế giới khác như TPG, ADIA, SeaTown (thuộc Temasek) chính nhờ chiến lược bài bản và năng lực thực thi, thể hiện qua kết quả kinh doanh.

Kết quả kinh doanh đầy triển vọng trên được hợp nhất từ kết quả tăng trưởng khả quan của tất cả các mảng kinh doanh của Masan. Đặc biệt, WinCommerce (WCM) đạt doanh thu thuần 30.900 tỷ đồng năm 2021, tương đối ổn định so với cùng kỳ năm ngoái dù có số lượng điểm bán từ đầu năm 2021 ít hơn 618 địa điểm so với đầu năm 2020. Mặc dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 hạn chế việc mở rộng hệ thống, WCM đã khai trương 388 cửa hàng WinMart+ vào năm 2021.

Hiện Masan đang tăng tốc với mục tiêu mở 10.000 cửa hàng WinMart+ tự sở hữu và 20.000 WinMart+ nhượng quyền. Mới đây nhất, Masan đã chi thêm 110 triệu USD để chính thức sở hữu thương hiệu trà sữa Phúc Long.

Với việc mở rộng quy mô hoạt động, nợ vay của Masan cũng tăng đều qua các năm.

cover-masan-1
Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang trở thành "đế chế" hàng tiêu dùng, chiếm lĩnh thị phần lớn thị trường hàng tiêu dùng tại Việt Nam.

Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản tại Masan ghi nhận hơn 126.093 tỷ đồng, tăng nhẹ 9% so với đầu năm. Nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 83.757 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm, chiếm 66% tổng tài sản.

Đáng chú ý, do huy động hàng chục ngàn tỷ đồng từ trái phiếu, dư nợ vay của Tập đoàn Masan tính đến cuối năm 2021 ghi nhận hơn 58.177 tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu không đảm bảo mà “ông vua” trong lĩnh vực tiêu dùng bán lẻ này huy động đạt gần 16.209 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm và trái phiếu có đảm bảo gần 18.723 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm.

Dù nợ vay có giảm nhẹ so với đầu năm, song 'ông lớn' lĩnh vực tiêu dùng vẫn phải trả mức lãi khá lớn. Trong năm 2021, Masan phải trả hơn 4.669 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước, tương đương lãi vay Masan phải trả hơn 12,7 tỷ đồng mỗi ngày.

tap-doan-masan-vnfinance-1

Ngoài chi phí lãi vay, các chi phí khác liên quan đến hoạt động tài chính cũng tăng dẫn tới chi phí tài chính trong năm của Masan tăng 25% lên mức hơn 5.706 tỷ đồng.

Năm 2022, Masan đã đặt ra mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất trong năm tài chính 2022 đạt 90.000 - 100.000 tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng 22% - 36% khi so với mức 74.200 tỷ đồng (loại trừ doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi) trong năm 2021.

Trụ cột The CrownX dự kiến đạt doanh thu thuần 68.000 - 76.000 tỷ đồng, tăng từ 17% tới 31% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu thuần WinCommerce (đơn vị sở hữu WinMart/WinMart+ và WinEco) được kỳ vọng cán mốc 38.000 - 40.000 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 23% đến 29% so với năm trước.

Đối với đơn vị sản xuất hàng tiêu dùng Masan Consumer Holdings, doanh nghiệp này dự kiến doanh thu thuần đạt mức 34.000 tỷ đồng – 40.000 tỷ đồng, tăng 18 – 39% so với năm 2021. 

tap-doan-masan-vnfinance-2

Với Masan MEATLife, công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt khoảng 5.000– 6.500 tỷ đồng, tăng 11 – 45% so với mức 4.500 tỷ đồng cùng kỳ (không bao gồm mảng thức ăn chăn nuôi). Với Masan High–Tech Materials, doanh thu thuần dự kiến đạt từ 14.500 – 15.000 tỷ đồng, tăng 7 – 11%. 

Riêng đối với các mảng kinh doanh mới, trong năm tài chính 2022, dự kiến doanh thu Phúc Long sẽ đạt từ 2.500 đến 3.000 tỷ đồng, nhờ mở rộng mạng lưới cửa hàng riêng và kiosk trong WCM cũng như việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm trà và cà phê. Viễn thông Mobicast/Reddi đặt mục tiêu sẽ thu hút 500.000 – 1.000.000 thuê bao mới.

Nguồn: Hoàng Long/vnfinance

Nguồn: Hoàng Long/vnfinance