"Oằn lưng" gánh thêm chi phí sinh hoạt vì vật giá leo thang

Trần Nhật Linh
Thời gian qua vật giá leo thang liên tục, tạo áp lực rất lớn tới đời sống, chi tiêu hằng ngày của người dân, nhất là công nhân, sinh viên.

Giá xăng, dầu, gas tiếp tục nhích cao, kéo theo chi phí đầu vào của các ngành dịch vụ, sản xuất tăng lên, trong khi thu nhập người lao động không tăng, khiến chuyện sinh hoạt, chi tiêu thường ngày của người dân càng chật vật.

Cụ thể, giá gas tăng thêm hơn 50.000 đồng/bình 12kg, các loại nước uống đóng bình dung tích 18,5 - 20 lít đều tăng giá từ 2.000 - 8.000 đồng/bình, thịt heo từ 70.000 đồng/kg nay tăng 90.000 đồng/kg so với thời điểm trước dịch.

Bạn Lê Thị Hà, sinh viên năm 4 Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chia sẻ, bạn đang trải qua những ngày chật vật vì giá xăng tăng cao, giá thực phẩm, tiền phòng trọ và một số mặt hàng thiết yếu đều tăng giá. Với tình hình vật giá leo thang như hiện nay, Hà phải tự điều chỉnh lại chế độ chi tiêu cho hợp lý. Hạn chế tối đa việc ăn uống ở ngoài, cắt giảm lượng cá thịt trong mỗi bữa ăn. Ngoài ra, thay vì phải đổ xăng để đi xe máy riêng, Hà lựa chọn đi xe buýt công cộng tới trường và đến những địa điểm xa trọ để tiết kiệm khoản chi phí xăng xe.

a1-1458

Vật giá leo thang đã khiến cho sức mua của người tiêu dùng giảm khá nhiều so với thời điểm trước Tết, nên họ buộc phải tính toán, thắt chặt hơn trong việc chi tiêu.

Bà Loan, chủ kinh doanh thịt heo ở chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ: "Thời gian gần đây, tình hình mua tại sạp khá chậm so với thời điểm trước Tết. Cộng thêm giá xăng dầu cao khiến chi phí vận chuyển đắt hơn, tôi buộc phải tăng giá bán dù không dám tăng nhiều. Khách cũng biết là giá cả tăng do thị trường chung nên họ cũng tự giảm chi tiêu, việc mua thịt cũng có phần dè chừng hơn so với trước kia. Thậm chí, mấy ngày trở lại đây cửa hàng thịt của tôi chỉ có vài khách ghé".

Bận rộn với công việc, chị Liên chủ quán cà phê ở Quận 12 thừa nhận rất lười nấu nướng. Trước kia chị thường mua đồ ăn sáng ở ngoài, trưa thì đặt đồ ăn qua ứng dụng để tiết kiệm thời gian, và chỉ nấu ăn vào bữa tối. Song một tuần gần đây, chị có phần bất ngờ khi vật giá tăng vọt, cước phí đặt món cũng bất ngờ tăng nhanh, khiến chị suy nghĩ lại việc nấu ăn tại nhà.

“Trong vòng 3 tháng trở lại đây, hầu như mọi thứ đều lên giá. Trước chị đổi bình ga với giá 350.000 đồng/bình, cách đây hai hôm chị đổi bình ga 420.000 đồng/bình tăng 70.000 đồng so với trước. Vật giá ngày càng tăng nên gia đình chị đã thắt chặt chi tiêu, những nhu cầu, dịch vụ không thiết yếu thì cắt bớt”, chị Liên chia sẻ thêm.

Khi được hỏi về vấn đề tăng giá, chị Hiền, chủ một đại lý gas cho biết: "Tình hình kinh doanh của cửa hàng hiện nay khá khó khăn, đặc biệt là sau đợt giãn cách vì dịch Covid-19, tôi thiếu nhân viên trầm trọng. Bên cạnh đó, chi phí mặt bằng cao, chưa kể xăng cũng lên giá, cửa hàng phải tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/bình để bù lại các khoản chi phí khác".

a4-1459

“Tôi làm văn phòng, đi làm hằng ngày bằng xe máy. Chỗ làm cách nhà khoảng 10km, tuần vừa rồi tôi đổ 100.000 đồng xăng, đi được tầm 5 ngày lại phải đổ tiếp. Do đó, để đảm bảo sinh hoạt tôi đã tự động cắt giảm những chi phí không cần thiết và về nhà ngay khi tan làm. Thay vì đặt cơm trưa như mọi khi thì tôi tự làm cơm mang theo để ăn bữa trưa, thậm chí tôi còn dùng xe đạp đi chợ để tiết kiệm chi phí”, chị Phượng (người dân quận Tân Phú) cho hay.

Không riêng chị Phượng, trong giai đoạn vật giá leo thang, giá xăng nhiều lần lập "kỷ lục", giới sinh viên, người nội trợ, nhân viên văn phòng, tài xế công nghệ cho biết họ phải điều chỉnh lại mức chi tiêu để thích nghi với hoàn cảnh.

“Từ lúc xăng tăng, cuộc sống chú vất vả hơn thời gian trước đây rất nhiều. Trung bình mỗi cuốc chạy chú nhận được khoảng 30.000 - 40.000 đồng tùy khoảng cách. Lúc trước, ứng dụng có đơn ở đâu chú đều nhận dù ở xa vị trí chú đang đứng, chú cố gắng chạy cho đủ số lượng vì gia đình chú đang còn hai đứa con đang tuổi ăn học, chú không dám lười biếng. Những ngày vừa qua, anh em tài xế như chú đều than vì xăng tăng chóng mặt, mọi người chạy thêm giờ mới đủ lo cho gia đình”, chú Phúc - tài xế Gojek bộc bạch.

Lệ Hằng/Sohuutritue.net.vn

Lệ Hằng