Mới đây, trong 2 ngày 28 và 29/9 tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức hội thảo tập huấn “Kỹ năng tra cứu thông tin và soạn thảo bản mô tả sáng chế”.
Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia ở Cục Sở hữu trí tuệ, trong thời gian hai ngày, gần 100 đại biểu đến từ nhiều viện, trường đã tìm hiểu về quy trình, thủ tục đăng ký sáng chế.
Theo thông tin từ Hội thảo, trong các nội dung được truyền đạt, soạn thảo bản mô tả sáng chế là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm nhất của các nhà nghiên cứu. Họ cho rằng đây là thách thức lớn trong quá trình đăng ký bảo hộ sáng chế. Chia sẻ này cũng phù hợp với kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Bộ KH&CN) thực hiện năm 2018. Theo đó, những khó khăn khi soạn thảo bản mô tả sáng chế là một trong những nguyên nhân khiến số lượng đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích tại các viện nghiên cứu, trường đại học còn hạn chế.
Nhiều nhà khoa học gặp khó khăn khi mô tả sáng chế vì ngoài việc phải đáp ứng các tiêu chí để cấp Bằng độc quyền sáng chế như tính mới, trình độ sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp, còn cần phải nắm được văn phong, cách soạn thảo bản mô tả sáng chế theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành, phải biết cách tra cứu tư liệu sáng chế để xác định sơ bộ tính mới, phải biết soạn thảo yêu cầu bảo hộ của sáng chế với phạm vi rộng nhất có thể để có lợi thế trong quá trình thương mại hóa.
Chia sẻ tại Hội thảo, các chuyên gia cho biết, bí quyết soạn thảo bản mô tả sáng chế chủ yếu nằm ở phần yêu cầu bảo hộ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thường đầu tư rất nhiều công sức vào phần mô tả tình trạng kỹ thuật của sáng chế, dẫn đến tốn nhiều thời gian, công sức mà không đem lại hiệu quả bảo hộ. “Khi viết sáng chế, các tác giả lưu ý phần quan trọng nhất là yêu cầu bảo hộ, thẩm định viên sẽ đánh giá khả năng bảo hộ dựa trên đó. Còn lại các phần khác có giá trị cung cấp thông tin, làm rõ và minh họa cho yêu cầu bảo hộ, cần có sự phân bổ thời gian phù hợp để tiết kiệm công sức”, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Thông tin sở hữu công nghiệp (Cục Sở hữu trí tuệ), nhấn mạnh.
Hơn nữa, cách viết yêu cầu bảo hộ sẽ quyết định phạm vi bảo hộ của sáng chế. Người soạn thảo không nên mô tả quá chi tiết trong phần yêu cầu bảo hộ vì có thể vô tình thu hẹp phạm vi bảo hộ của sáng chế.
Theo các chuyên gia, sáng chế của người Việt thường viết yêu cầu bảo hộ quá sơ sài, bị từ chối ngay từ đầu, hoặc viết quá sâu, chứa nhiều thông tin không cần thiết, thậm chí có những sáng chế viết rất chi tiết, chính xác từng thông số kỹ thuật.
“Phạm vi bảo hộ của sáng chế rộng hay hẹp sẽ phụ thuộc vào yêu cầu bảo hộ. Nếu chúng ta viết càng chi tiết thì phạm vi bảo hộ càng hẹp”, bà Hiền phân tích.
“Giống như nguyên tắc về tổ hợp, một tổ hợp càng nhiều thuộc tính thì nó càng nhỏ, khi soạn thảo phần yêu cầu bảo hộ sáng chế, chúng ta phải viết sao cho tổ hợp đó rộng nhất có thể”.
“Những kiến thức này rất giá trị, từ trước đến nay, chúng tôi chưa chú ý đến điều này nên thường viết bản mô tả rất chi tiết, thậm chí đến từng độ pH cũng viết chính xác luôn, mà không biết rằng phạm vi bảo hộ đã bị hạn chế”, một đại biểu chia sẻ trong hội thảo.
Sau bốn chuyên đề “Tổng quan về sở hữu trí tuệ và thủ tục đăng ký sáng chế”; “Giới thiệu các cơ sở dữ liệu tra cứu sáng chế và chiến lược tra cứu sáng chế”; “Các yêu cầu đối với bản mô tả sáng chế”; “Hướng dẫn sử dụng phần mềm soạn thảo bản mô tả sáng chế”, các đại biểu đã thực hành soạn thảo bản mô tả sáng chế. Một số nhà nghiên cứu đã có ý tưởng muốn đăng ký bảo hộ sáng chế cũng được các chuyên gia tư vấn tại hội thảo.
Khánh An