Ngành rau quả năm 2024 có thể bứt phá hơn ở thị trường Trung Quốc

Admin
(SHTT) - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam kỳ vọng sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường tỷ dân sẽ mở rộng hơn.

Với vị trí địa lý gần, Trung Quốc đang trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam. Theo CTCP Ameii Việt Nam, năm 2022, công ty không ghi nhận doanh thu xuất khẩu rau quả ở từ thị trường Trung Quốc. Sau khi thị trường 1,4 tỷ dân này mở cửa với nhiều loại trái cây Việt Nam, đặc biệt là sầu riêng, năm nay Ameii đã chuyển hướng về Trung Quốc, chiếm khoảng 30% doanh thu của doanh nghiệp này.

Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Ameii đánh giá 2023 là năm khởi động, 2024 sẽ là năm bứt phá ở thị trường Trung Quốc khi dư địa và tiềm năng vẫn còn rất nhiều. Đồng thời, Ameii Việt Nam nhận thấy tiềm năng gia tăng kim ngạch của sản phẩm sầu riêng chế biến.

Tương tự là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc, CTCP Tập đoàn Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu cũng có một năm thành công ở thị trường này.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Chánh Thu cho hay doanh thu của tập đoàn năm nay dự kiến tăng gấp đôi so với năm 2022 nhờ sự lên ngôi của trái sầu riêng. Năm 2023, doanh số xuất khẩu sầu riêng chiếm khoảng 80% tổng doanh thu của tập đoàn, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm 75% mảng này.

CEO Chánh Thu cũng kỳ vọng rằng Trung Quốc có thể giảm thuế nhập khẩu cho trái cây Việt Nam khi vào thị trường Trung Quốc. Với mặt hàng chủ lực của năm nay, sầu riêng đang phải chịu mức thuế nhâp khẩu khoảng 9%.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy 11 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 5,2 tỷ USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam, chiếm tỷ trọng áp đảo 65,6% tổng kim ngạch ngành.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 có thể về đích với kỷ lục 5,5-5,8 tỷ USD, tăng 80-90% so với kết quả thực hiện năm 2022.

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam kỳ vọng sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường 1,4 tỷ dân sẽ mở rộng hơn về mặt hàng, quy mô, thị phần.

Ông Nguyên nhận định, mỗi năm, Trung Quốc chi khoảng 15 tỷ USD cho nhập khẩu trái cây. Thị phần của Việt Nam năm nay dự kiến khoảng 25-30%, chỉ sau Thái Lan và Chile. Trong tương lai, quy mô thị trường này có thể nhân lên gấp đôi, tương ứng 30 tỷ USD. Do vậy, cơ hội của doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều nếu Trung Quốc mở cửa thêm cho Việt Nam các sản phẩm như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, bơ, bưởi da xanh…

Thứ trưởng Bộ NN&PNT Phùng Đức Tiến cho biết dự kiến thời gian tới sẽ có thêm 4 sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bao gồm: dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu.

Năm 2023 cũng là năm chứng kiến sự thay đổi rõ rệt trong cơ cấu các mặt hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam. 10 tháng năm nay, quả và quả hạch duy trì tỷ trọng lớn nhất, khoảng 74%, tương ứng 3,6 tỷ USD.

Trong đó, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt hơn 2 tỷ USD, gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, sầu riêng đã chính thức soán ngôi thanh long, trở thành mặt hàng có doanh số cao nhất, đóng góp khoảng 42% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 10 tháng.

Trong khi đó, thanh long lại có xu hướng đi lùi, kim ngạch chỉ đạt 524 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 50% so với giai đoạn đỉnh cao 2019. Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm 2023 có thể đạt tới 2,2-2,3 tỷ USD, còn thanh long dự kiến khoảng 600 triệu USD.

PV