Tại buổi tọa đàm "Giải bài toán bảo vệ bản quyền cho ngành công nghiệp âm nhạc-điện ảnh-truyền hình số", do Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam (DCCA) phối hợp với một số đơn vị tổ chức ngày 26/9, các đại biểu đều đồng quan điểm, bên cạnh những ưu điểm vượt trội, cuộc cách mạng số hóa trong lĩnh vực âm nhạc, truyền hình đã và đang mang đến những thách thức trong việc bảo mật và bảo vệ bản quyền nội dung, từ đó yêu cầu phải có các giải pháp để bảo vệ nội dung tránh khỏi các rủi ro về xâm hại bản quyền.
Đại diện của Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) cho biết, mặc dù các biện pháp chặn tên miền cũng đã bắt đầu được thực thi tại Việt nam; các giải pháp quản lý quyền kỹ thuật số (DRM) như Widevine, FairPlay và PlayReady cũng đã được triển khai để ngăn chặn truy cập và phân phối trái phép... nhưng các giải pháp bảo vệ bản quyền hiện tại vẫn chưa đủ sức bảo vệ và cần phương pháp đa chiều để giải quyết các rủi ro đang hiện hữu.
Đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng thông tin, trong năm 2023 cục này cùng Cục An toàn thông tin đã chặn tổng cộng 162 trang web vi phạm. Nếu tính cả các trang web thay đổi tên miền thì rất nhiều, lên tới gần nghìn trang. Tuy nhiên, việc xử lý các đối tượng này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của cơ quan quản lý.
Về thực trạng vi phạm bản quyền nội dung số và khó khăn trong việc ngăn chặn vi phạm bản quyền, ông Phạm Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Bản quyền nội dung số, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, hiện nay tình trạng vi phạm bản quyền hết sức phức tạp với hàng loạt website vi phạm bản quyền (website lậu) đăng phát trái phép các giải bóng đá cũng như phim.
Theo số liệu từ SimilarWeb, hiện có khoảng 70 website bóng đá lậu, với hơn 1,5 tỷ lượt view trong các năm 2022, 2023. Bên cạnh đó, số liệu của SimilarWeb cũng chỉ ra rằng, có tới hơn 200 website phim lậu thu hút khoảng 120 triệu lượt xem/tháng, trong đó top 10 có hơn 66 triệu lượt xem/tháng.
Luật sư Phạm Thanh Thủy, phụ trách chống vi phạm bản quyền của truyền hình số K+ cũng khẳng định: Vi phạm bản quyền nội dung số rất tràn lan trên Internet, đơn cử như một trận đấu khi được chiếu trên K+ và các đơn vị đồng phân phối của K+, đồng thời nó còn được chiếu trên nhiều website, app lậu. Dẫn số liệu từ Media Partners Asia, bà Thủy cho biết, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực về tỉ lệ vi phạm bản quyền, với 15,5 triệu người thường xuyên truy cập vào các website lậu, vi phạm trên các nền tảng số hiện là hình thức vi phạm chủ yếu.
Tiêu biểu, web lậu vi phạm bản quyền trắng trợn nhất là Xôi Lạc TV, với 20 tên miền khác nhau. Khi cơ quan chức năng chặn tên miền này thì rất nhanh sau đó lại có tên miền mới xuất hiện thay thế. Bằng cách này, Xôi Lạc TV vẫn tồn tại suốt gần 5 năm qua.
Bà Thủy cho biết doanh nghiệp này không thể đề nghị xử lý hành chính được, cũng không thể khởi kiện dân sự. Hiện tại thì chỉ mới có giải pháp chặn tên miền chưa hiệu quả.
"Chúng tôi cứ chiến đấu, cứ chặn, có domain mới chúng tôi lại chặn và chúng tôi trông chờ vào sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước", bà Thủy nói.
Liên quan đến vấn đề này, Trung tâm bản quyền nội dung số Việt Nam (VDCC - thuộc Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử) cho biết để giải pháp chặn tên miền đạt hiệu quả tốt hơn, sắp tới cơ quan chức năng sẽ thiết lập cơ chế chặn linh hoạt - chặn đuổi các tên miền mới phát sinh sau khi bị chặn.
Ngoài ra sẽ phát triển công cụ chặn tự động để các bên sử dụng nhằm giảm thiểu thời gian và nhân lực; cũng như áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp khác nhau để chặn truy cập.
Riêng với trường hợp Xôi Lạc TV, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết cục này đang phối hợp với cơ quan công an và các doanh nghiệp để kiên quyết đấu tranh. Sắp tới việc xử lý sẽ không chỉ dừng ở xử lý vi phạm hành chính mà phải có những mức xử lý cao hơn.
Hà Châu