Mạng xã hội 'kiếm đậm' từ việc xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí chính thống

Admin
(SHTT) - Mặc dù liên tục cảnh báo nhưng bản quyền tác phẩm báo chí vẫn bị xâm phạm ngày càng tinh vi, gây thất thu lớn về mặt kinh tế cho các đơn vị nắm giữ bản quyền.

Trong thời điểm ngành công nghiệp nội dung số đang ngày càng phát triển, vấn đề bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí càng trở nên cấp bách.

Thực trạng vi phạm bản quyền báo chí hiện nay

Có một thực tế cho thấy rằng, nguồn thu của các đơn vị nắm bản quyền bị “chảy ngược” vào những trang web vi phạm bản quyền. Đó là những trang web “3 không”: Không rõ người quản lý, cơ quan chủ quản; không rõ địa chỉ và không có giấy phép. Những trang này có thể lấy một phần thông tin hoặc thậm chí nguyên bản thông tin từ các đơn vị báo chí có bản quyền. Và từ đó, họ nhận tiền quảng cáo từ chính những nội dung "ăn cắp". Trong khi đó, các đơn vị trực tiếp sở hữu nội dung sản phẩm sẽ không nhận được giá trị tương xứng mà họ bỏ ra.

Ngoài những trang web này thì các tài khoản cá nhân, trong đó đặc biệt là các tài khoản ảo, tài khoản không xác thực trên các mạng xã hội cũng chính là những kênh vi phạm bản quyền tràn lan nhất. Trong đó có cả mạng xã hội xuyên biên giới như: Google, Facebook hay những mạng xã hội của Việt Nam như Zalo, Hahalolo…

Vì mục đích câu view, các tài khoản này sẵn sàng cắt cúp thông tin, hình ảnh, phim trên các kênh báo chí/truyền hình chính thống và tạo ra những thông tin theo chủ đích. Họ thường "chế bản" thông tin theo hướng giật gân và càng giật gân, càng tạo bức xúc, tranh luận thì càng dễ và tăng nhanh follow. Khi đạt một lượng follow đủ lớn, các nền tảng công nghệ sẽ phân chia doanh thu quảng cáo từ các nhãn hàng, trong đó chủ yếu là nhãn hàng trong nước.

ban quyen bao chi

 

Như vậy, nguồn thu quảng cáo của các mạng xã hội đã, đang có sự đóng góp lớn từ mảng tin tức sử dụng lại nguồn từ các báo, nhưng theo cách… dùng chùa.

Chia sẻ tại Hội thảo Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số, ông Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập Báo Hà Nội Mới - cho biết xét dưới góc độ kinh tế, việc sao chép bài viết một cách thiếu kiểm soát sẽ gây ảnh hưởng đến phong cách của một tờ báo, tờ báo bị sao chép bị mất đi lượng độc giả trung thành khi không bảo vệ được tác quyền. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của những người làm báo khi doanh thu quảng cáo của tờ báo bị sao chép sụt giảm. 

Khi các tác phẩm báo chí chính thống bị sao chép, bị đánh cắp thì vấn đề không đơn thuần chỉ nằm ở việc vi phạm bản quyền, mà những thông tin bị cắt cúp, sao chép, vi phạm này còn làm méo mó, sai lệch thông tin. Đối với các cơ quan báo chí, việc vi phạm này một mặt ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín, xâm hại đến công sức, thành quả lao động của các đơn vị nắm bản quyền, của nhà báo, đồng thời gây thất thu lớn về mặt kinh tế.

Tổng Biên tập Báo HàNộiMới cũng nêu thực trạng, do hầu hết các trang web, trang điện tử không chính thống hiện nay do Google giới thiệu vì các trang này trả tiền cho Google nên Google cũng thường cho chạy quảng cáo trên các trang có dấu hiệu vi phạm. Ông nhấn mạnh: "Miếng bánh quảng cáo lẽ ra nằm tại các đơn vị nắm giữ bản quyền thì lại “chảy vào túi” các trang web, trang điện tử, các tài khoản mạng xã hội, khiến nguồn thu của không ít cơ quan báo chí ngày càng thấp đi, còn các “ông lớn” mạng xã hội Google, Facebook lại kiếm đậm từ chính việc xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí chính thống".

Hiện nay, nhiều đơn vị báo chí chính thống đã có các biện pháp xử lý như: gọi điện nhắc nhở, gửi công văn đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý. Tuy nhiên, trên thực tế, đây vẫn là vấn nạn gây nhức nhối chưa rõ hồi kết suốt nhiều năm qua.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm tràn lan bản quyền báo chí

Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã từng phân tích một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm tràn lan bản quyền báo chí.

Thứ nhất, hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam tương đối đầy đủ, nhưng việc áp dụng chưa thực sự hiệu quả.

Nhiều nội dung văn bản còn lỗ hổng, chưa theo kịp tình trạng vi phạm ngày càng tinh vi và linh hoạt. Thậm chí, một số tình huống vi phạm mà văn bản quy phạm pháp luật chưa thể lường trước được.

Thứ hai, mức xử phạt trong lĩnh vực vi phạm bản quyền báo chí còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. 

Thứ ba, các cơ quan báo chí chưa quyết liệt trong việc đối phó với tình trạng này. Vì ngại khó, quy trình xử lý chậm và phức tạp đã tạo nên những tiền lệ xấu để các đối tượng tiếp tục vi phạm. 

Thứ tư, Việt Nam chưa có một tổ chức hoạt động chuyên nghiệp để xử lý những xung đột giữa người vi phạm bản quyền và các cơ quan báo chí. 

Thứ năm, việc các cơ quan báo chí "xào" bài lẫn nhau là "tấm gương" xấu tương đối phổ biến. 

Vì vậy cơ quan nhà nước sớm hoàn thiện văn bản pháp luật theo kịp tình hình, tránh lỗ hổng khiến các trang mạng xã hội, website không rõ nguồn gốc hoạt động thoải mái.

Tú Linh