Ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chia sẻ, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ là những tháng còn lại là không để đứt gãy chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia, cố gắng hạn chế tối đa việc mất thị phần xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường truyền thống.
“Chúng tôi dự báo những hợp đồng theo thời vụ của các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ gặp khó khăn trong quý 4/2021 mà còn gặp khó khăn trong quý 1/2022. Nếu có 150 triệu liều vắc xin vào tháng 12/2021 thì hết quý 1/2021 chúng ta mới hết khó khăn, còn nếu không có đủ số vắc xin thì việc chúng ta sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng lớn doanh nghiệp”, ông Kiên nói.
Để có thể sớm phục hồi kinh tế, Chính phủ chủ trương chuyển từ không có dịch chuyển qua sống chung với Covid-19. Vắc xin là công cụ tốt nhất để hỗ trợ quá trình này hoàn thành. Từ tháng 5/2020, Việt Nam đã đặt mua vắc xin, nhưng các hãng sản xuất không giao kịp. Vì trước đó, Việt Nam không nằm trong vùng dịch, nên không được ưu tiên.
“Chính phủ đã thành lập tổ vắc xin để bằng mọi cách tiếp cận được nguồn vắc xin. Tuy nhiên nếu không có vắc xin nội địa, chúng ta không tự lực được, các kịch bản khôi phục kinh tế cũng khó thành công”, ông Kiên cho biết.
Đồng quan điểm phải sớm có vắc xin nội địa, Thiếu tướng, PGS.TS. Nguyễn Viết Lượng - Chính ủy Học viện Quân y nhận xét, trên thế giới đang có 2 chiến lược chống dịch. Một số quốc gia cố gắng đưa về tình trạng không có dịch, xu hướng thứ 2 là sống chung với dịch.
“Tôi nhất trí cao ở hướng thứ 2. Đợt vừa rồi, chúng ta nhận biết đúng kẻ thù nhưng lại đưa ra những giải pháp chưa trúng, gây ra lãng phí nguồn lực, nhân lực, ví dụ như đi phun khử khuẩn diện rộng”, Thiếu tướng Lượng nói.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Viết Lượng, muốn sống lâu dài với dịch thì phải có vắc xin, vì tất cả mầm bệnh đều chịu tác động của vắc xin. Đồng thời, mỗi cá nhân, doanh nghiệp cần ý thức trách nhiệm trong việc phòng, chống dịch, tuân thủ 5K. Nhà nước chủ động bảo vệ đối tượng yếu thế để giảm được tỷ lệ tử vong.
“Vắc xin hiện đang rất khan hiếm, tình trạng này sẽ còn kéo dài. Trong khi đó, nhiều nước đã bắt đầu nhận ra không chỉ 2 mũi vắc xin, mà phải có mũi thứ 3 sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Chính vì vậy ngoài tiếp cận các vắc xin sẵn có trên thế giới, về lâu dài vẫn là vắc xin nội địa”, Thiếu tướng Lượng nhấn mạnh.
Vắc xin nội địa có thể đến từ việc tự nghiên cứu hoặc chuyển giao công nghệ nước ngoài về để sản xuất trong nước. Khi đã chủ động được về nguồn vắc xin, Việt Nam sẽ đạt được an ninh về vắc xin, có thể tiêm nhắc sau 6 -8 tháng.
“Các chuyên gia, các nhà quản lý không nên ngồi một chỗ chờ doanh nghiệp nghiên cứu vắc xin nội địa trình lên nữa, mà hãy xuống với họ để xem vướng mắc ở đâu để có thể hỗ trợ”, Thiếu tướng Lượng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thiếu tướng Lượng cho rằng thời gian tới y tế cơ sở cần được quan tâm hơn. Lâu nay y tế cơ sở thường bị bỏ quên, chỉ tập trung vào các bệnh viện. Thế nên khi dịch xảy ra, nhiều vấn đề liên quan đến việc chủ động chăm sóc sức khỏe đã xảy ra.
Nếu không làm tốt y tế cơ sở, không chỉ trong dịch bệnh mà trong tình trạng bình thường, các bệnh viện cũng sẽ quá tải.
“Từ Bộ Y tế cho đến các cơ sở y tế, cùng các doanh nghiệp phải phối hợp với nhau. Doanh nghiệp cũng phải chủ động đề xuất, từ đào tạo, huấn luyện, đưa ra các quy trình về y tế cơ sở tại nhà máy. Cái này phải gắn vào an toàn lao động, nếu vi phạm thì phân xưởng hoặc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm”, Thiếu tướng Lượng nói.
Nhật Linh