Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng có trụ ở mới?

Quyền Trung
9 hội chuyên ngành của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng sẽ không có văn phòng tại trụ sở mới?

Trong những ngày này, dư luận trong giới văn nghệ sĩ Hải Phòng cũng như cả nước đang “nóng” lên với thông tin Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng có trụ sở mới?

Chứng kiến vị trí được coi là địa điểm làm việc của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng (Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng), mọi người không thể không sửng sốt. Tại số 6 - 8 Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng đã “mọc” lên một nhà tạm lợp tôn, nơi có thể là hội trường họp hay nhà kho lưu trữ các di sản văn hóa nghệ thuật của Hải Phòng đang được lưu giữ, bảo tồn, triển lãm… tại số 19 Trần Hưng Đạo. Gian nhà tạm đó liền kề với một số phòng làm việc đã xuống cấp, nơi trước đây là chỗ làm việc của một số cơ quan thuộc Thành ủy Hải Phòng. 

z3677394093241_c8085749b7f772005037c41f4f2cb38b

Các văn nghệ sĩ với bộ bàn ghế có từ thời Nguyên Hồng tại trụ sở số 19 Trần Hưng Đạo

Trên 700 văn nghệ sĩ thuộc 9 hội chuyên ngành của Hải Phòng có lý do để lo lắng. Câu chuyện không mới này đã được UBND thành phố Hải Phòng khẳng định tại Văn bản số 6443/UBND-XD ngày 13/9/2021 do ông Nguyễn Ngọc Tú, Chánh văn phòng thừa lệnh UBND đã ký. Từ hơn 2 năm, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã nhiều lần triệu tập cuộc họp với các hội đặc thù của thành phố Hải Phòng (Hội LHVHNT, Hội Bảo trợ người tàn tật, Hội chữ thập đỏ, Liên hiệp các hội KHKT, Hội người mù, Hội Đông y thành phố Hải Phòng v.v.) và đi đến kết luận thu hồi trụ sở của các hội này để “thực hiện việc sắp xếp và xử lý tài sản theo quy định theo hướng ưu tiên sử dụng vào các mục đich công cộng phục vụ nhân dân. Trường hợp không thể sử dụng vào các mục đích công cộng sẽ bán đấu giá để tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố” - (theo văn bản đã ký).  

z3677394464059_e219cfe1e63b177cc9c695a0e7f31ad0

Hiện nay, trụ sở của các Hội đặc thù này đều là những biệt thự cổ, tòa nhà cổ xây dựng từ thời Pháp, tọa lạc ở mặt tiền các phố trung tâm nhất Hải Phòng như Trần Hưng Đạo, Điện Biên Phủ, Lê Đại Hành, Đinh Tiên Hoàng, Quang Trung... Trụ sở làm việc của hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng tại số 19 Trần Hưng Đạo có vị trí đắc địa ở “góc bánh chưng” của phố Lê Đại Hành - Trần Hưng Đạo, phía trước là dải công viên cây xanh trung tâm, cách Nhà hát thành phố Hải Phòng chỉ khoảng 200m. Nơi đây đã gắn với tên tuổi các văn nghệ sĩ nổi tiếng, gạo cội của cả nước như Văn Cao, Thế Lữ, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Trần Hoàn, Mai Trung Thứ, Đào Trọng Khánh v.v… Đây là ngôi nhà chung của 9 hội chuyên ngành (Hội Nhà văn, Hội Kiến Trúc, Hội Mỹ thuật, Hội Âm nhạc, Hội Sân khấu, Hội Nhiếp ảnh, Hội Điện ảnh và Truyền hình, Hội Văn hóa dân gian, Hội nghệ sĩ múa). Hơn 700 hội viên thường xuyên sinh hoạt, hội họp, triển lãm, nơi khởi nguồn mọi sáng tạo của văn nghệ sĩ Hải Phòng. Với bề dày truyền thống và văn hóa, kể từ khi thành lập (năm 1964) đến nay, Hội LHVHNT Hải Phòng đã đào tạo, phát triển tài năng của hàng ngàn văn nghệ sĩ, đóng góp tác phẩm và sức sáng tạo cho nền văn hóa nghệ thuật cả nước, nhiều tập sách, nhiều vở diễn, các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc v.v..  đã được triển lãm, phổ biến và đạt hàng ngàn giải thưởng trong các cuộc thi trong nước và quốc tế, tạo nên một dòng chảy mạnh mẽ, khỏe khoắn, mang đậm đặc trưng của thành phố Cảng, thành phố công nghiệp hiện đại, đầu mối về kinh tế, xuất nhập khẩu, an ninh và quốc phòng.

Một lãnh đạo của Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng cho biết, qua nhiều lần họp đề đạt trực tiếp, Hội đã có văn bản đề nghị lãnh đạo thành phố nếu chuyển đổi trụ sở, thì cấp cho Hội Liên hiệp VHNT một địa điểm có diện tích và công năng tương đương, kèm theo đó là đề án kiến trúc và đề nghị xây dựng, cải tạo địa điểm số 6 - 8 Minh Khai (nếu được giao) cho phù hợp với mô hình hoạt động của 9 hội chuyên ngành với hơn 700 hội viên. Văn bản nêu trên của Hội LHVHNTHP chưa được phản hồi, các cuộc họp trực tiếp cũng chưa có thông báo kết luận cụ thể, thay vào đó là văn bản thu hồi và cung cấp địa điểm mới như đã nói ở trên. Việc sắp xếp trụ sở mới cho Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng tại khu vực có nhà tạm vừa được dựng lên chỉ đủ chỗ cho định biên gần 10 người làm làm công tác hành chính, văn phòng và các biên tập viên Tạp chi Cửa biển - cơ quan ngôn luận của Hội, không có phòng làm việc cho 9 hội VHNT chuyên ngành và khu vực triển lãm, lưu trữ các tác phẩm và di sản văn hóa. 

z3677394397703_1820995e2d2a3793cbfc6c96b3d11b82

“Đầu tư vào văn hóa chính là đầu tư hình ảnh quốc gia” - Văn hóa nghệ thuật không chỉ là món ăn tinh thần, mà còn là biên niên sử về quá trình tiến hóa và phát triển của đất nước. Các quốc gia phát triển đã đầu tư văn hóa bài bản đều tạo ra sức ảnh hưởng của mình trên toàn cầu. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã khẳng định “Tiếp tục có cơ chế khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tác văn học nghệ thuật , biểu diễn nghệ thuật, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân…”. 

z3677394185735_29f3c790589e4c0fc9be664d858d7015

Sau khi văn nghệ sĩ lên tiếng, khu vực này đã được quây tôn.

Hiện nay, các địa phương lân cận như Hà Nội, Quảng Ninh… đều cấp trụ sở làm việc cho các Hội LHVHNT là các tòa nhà khang trang ở vị trí thuận lợi cho phát triển và quảng bá văn hóa. Văn nghệ sĩ Hải Phòng rất hoang mang bởi trụ sở mới (nếu được cấp chính thức) sẽ rất chật hẹp, 700 văn nghệ sĩ Hải Phòng sẽ sinh hoạt, hội họp, triển lãm ở đâu, các di sản văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh v.v.. không có chỗ bảo tồn xứng đáng sẽ dần bị hủy hoại theo thời gian và môi trường. Trong khi chưa có văn bản chính thức bàn giao trụ sở Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng, các văn nghệ sĩ thành phố Hải Phòng cũng như giới văn nghệ cả nước vẫn mong muốn có sự thay đổi trong tư duy, cách nhìn và sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo thành phố Hải Phòng về một trụ sở mới đầy đủ công năng, để văn nghệ sĩ đất cảng có một tổ ấm xứng tầm với vị thế của thành phố Hải Phòng - đô thị loại 1 cấp quốc gia.

TH

TH