Thời gian gần đây, giá đất tại các thành phố lớn liên tục tăng mạnh. Đặc biệt, thời gian qua, giá đất tăng một cách chóng mặt, nhiều người phải thốt lên rằng “sốt điên đảo”.
Nếu không sớm có giải pháp khắc phục cơn sốt đất ảo sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chiến lược thu hút đầu tư của cả nước. |
Theo dự báo , giá bất động sản Việt Nam trong vòng 3-5 năm tới sẽ tăng mạnh nếu không cải thiện được vấn đề nguồn cung và để chặn đứng cơn “sốt đất ảo” đầu cơ rồi để hoang thì thuế bất động sản chính là công cụ ngăn chặn tốt nhất .
Theo đánh giá của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), giá đất đầu năm 2021 tại các địa phương tăng 15-20% so với 5 năm trước. Tình trạng giới đầu cơ bất động sản lợi dụng các yếu tố chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị gây nhiễu loạn thông tin để "thổi giá" nhằm thu lợi bất chính.
Trong đó, giá cả thị trường nguyên, nhiên, vật liệu và chi phí đầu vào dự án bất động sản tăng cũng là nguyên nhân khiến giá thành sản phẩm bất động sản tăng theo.
Hệ lụy lớn nhất của cơn sốt đất ảo?
Cơn sốt đất ảo sẽ khiến giá đất tăng ảo, thổi phồng bong bóng bất động sản. Khi xuất hiện cơn sốt đất ảo, dòng tiền đổ vào bất động sản ngày càng lớn, bong bóng được bơm căng và đến ngưỡng nào đó có thể xảy ra đổ vỡ hoặc giảm tốc bất ngờ, gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Hệ lụy là thị trường có thể bước vào chu kỳ suy thoái nhẹ, thậm chí khủng hoảng. Chu kỳ đi xuống có thể ngắn hay dài tùy vào sức đề kháng của nền kinh tế và tác động của ngoại lực (thị trường quốc tế - do ảnh hưởng của toàn cầu hóa).
Lẽ ra dòng tiền được đầu tư để sản xuất tiêu dùng, quay vòng vốn để tái sản xuất, phát triển kinh tế thì trước cơn sốt đất ảo có thể trở thành dòng tiền "bất động". Cơn sốt ảo còn tác động không nhỏ đến hệ thống ngân hàng nếu người mua bất động sản sử dụng dòng vốn vay.
Chính việc đất tăng giá ảo, thổi phồng bong bóng bất động sản đã gây ra không ít lo ngại cho các người dân, doanh nghiệp và thậm chí cho cả cơ quan quản lý nhà nước. Các chuyên gia nhận định, nếu không sớm có giải pháp khắc phục sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chiến lược thu hút đầu tư của cả nước.
Trước những cảnh báo như vậy, mới đây Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản tại các địa phương.
Đồng thời theo dõi nắm bắt thông tin diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng mới có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước liên quan đến vấn đề “sốt đất” này. Bộ này đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành có liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản.
Dù các bộ ngành, các tỉnh thành đã ra nhiều văn bản để kìm hãm tình trạng “sốt đất” nhưng để chặn việc “sốt đất” ảo và tránh ảnh hưởng đến lâu dài thì cần phải có nhiều giải pháp phù hợp.
Làm thế nào để hạn chế rủi ro đầu tư khi thị trường có sốt ảo?
Các chuyên gia đã khuyến cáo, trước khi tiến hành giao dịch mua đất trong thời điểm nhạy cảm, người mua cần cân nhắc nhiều yếu tố vì nguy cơ mất tiền thậm chí thua lỗ là cực kỳ lớn.
Người mua phải quan sát thị trường trên diện rộng để nắm được diễn biến từng thời điểm. Cần tiến hành thẩm định giá bằng nhiều phương pháp trước khi quyết định giao dịch. Đó là so sánh các hoạt động mua bán gần nhất, đối chiếu vị trí, khoảng cách di chuyển, mật độ dân số, tiện ích xung quanh và giá trị khai thác để tránh đưa ra quyết định thiếu chính xác.
Không nên mua vào nếu nhận thấy giá bất hợp lý vì khi đó rủi ro rất lớn. Giới chuyên môn còn khuyên nhà đầu tư nên cân đối dòng tiền, chỉ dùng tiền nhàn rỗi, dài hạn để mua bất động sản, tránh đi vay khi thị trường sốt ảo nhằm tránh bẫy lãi suất thả nổi.
theo tamnhin