Lừa đảo trong thương mại quốc tế hiện là vấn đề tương đối nổi cộm hiện nay với phương thức đa dạng, thủ đoạn tinh vi. Đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng trong nước và thương vụ nước ngoài liên tục cảnh báo về hiện tượng lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế mà không ít doanh nghiệp Việt Nam đã từng mắc phải. Ðặc biệt, tình trạng lừa đảo đang diễn ra không chỉ ở khu vực Trung Ðông, châu Phi mà ngày càng phổ biến ngay cả tại các thị trường lớn, có uy tín, mức độ rủi ro thấp như Mỹ, châu Âu.
Theo báo cáo, trong tháng 11/2023, xuất khẩu Việt Nam tăng 6,7% so với cùng kỳ, nhập khẩu tăng 5,1%, xuất siêu 1,28 tỷ USD. Tính chung 11 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt 322,5 tỷ USD, nhập khẩu 296,67 tỷ USD và xuất siêu 25,83 tỷ USD.
Việc thị trường xuất nhập khẩu chưa thực sự bứt tốc liên quan khá nhiều đến tình trạng tranh chấp và gian lận thương mại.
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) từng cho biết dù có nhiều trải nghiệm xuất khẩu nhưng điểm yếu của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam là chưa dày kinh nghiệm phòng ngừa và đối phó với các lừa đảo và tranh chấp thương mại quốc tế.
Hơn nữa, rất nhiều doanh nghiệp chưa quen thuộc với văn hoá kinh doanh của các nước nhập khẩu, có khi chưa hiểu biết nhiều các đối tác, hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp, trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp chưa quen sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp thương mại như trọng tài thương mại hay hòa giải thương mại. Không ít doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị "sập bẫy" gian lận thương mại, lừa đảo hoặc “vướng vấn đề về pháp lý” trong thời gian gần đây.
Liên quan đến vấn đề này, Tham tán thương vụ Việt Nam tại Italia Dương Phương Thảo cũng chia sẻ, hình thức lừa đảo phổ biến gồm: người mua phối hợp với đối tượng lừa đảo làm giả chứng từ chiếm đoạt giấy tờ gốc để chiếm đoạt hàng; doanh nghiệp mua hàng đã đặt cọc nhưng đối tác không giao hàng; đối tác thông báo mở tài khoản ở ngân hàng uy tín nhưng không hoạt động; công ty đối tác không giao hàng hoặc giao hàng không đạt tiêu chuẩn; hợp đồng ký cực kỳ sơ sài, đối tác không tuân thủ điều khoản...
Các vụ lừa đảo, gian lận thương mại thường có đặc điểm chung là đàm phán giá cả diễn ra nhanh chóng; đối tác chỉ liên lạc qua Internet, tin nhắn, dùng email miễn phí, không sử dụng email chính thức của doanh nghiệp, không muốn gặp trực tiếp hoặc trực tuyến; cung cấp tài khoản thanh toán ở nước thứ ba, tại ngân hàng nhỏ, tên chủ tài khoản không phải công ty đứng tên hợp đồng, giấy phép kinh doanh sắp hết hạn...
Phạm Tuấn