Đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở VN

Admin
(SHTT) - Mới đây, Tạp chí Kinh tế Môi trường phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức chương trình "Diễn đàn đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam".

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, từ khi loài người phát minh ra lửa, việc sử dụng năng lượng được coi là thước đo của sự tiến bộ nhân loại. Nó thể hiện năng lực phát triển của mỗi quốc gia.

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và phấn đấu vươn lên trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Để thực hiện mục tiêu đó, vấn đề an ninh năng lượng cần phải được đảm bảo, cung cấp đầy đủ và an toàn cho sản xuất và tiêu dùng.

1

 

“Để đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh hiện tại có thể nói là rất khó khăn, đặc biệt là sau cam kết của Việt Nam tại COP26. Chính vì vậy, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tổ chức Diễn đàn với chủ đề nóng, cần có sự đóng góp về tư duy và cách tiếp cận. Làm sao để Việt Nam đạt được mục tiêu kép là trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045 và đạt NetZero vào năm 2050”, PGS.TS Lưu Đức Hải chia sẻ.

Tại Diễn đàn, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, để đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai thì cần có những giải pháp mang tính đột phá. Trong phát triển kinh tế - xã hội, nước ta có 02 vấn đề quan trọng cần đảm bảo, một là an ninh năng lượng, hai là an ninh lương thực. Trước đây, chúng ta đã có một quyết định quan trọng đó là chuyển giá gạo sang cơ chế thị trường, quyết định này đã có những hiệu quả có thể nói là diệu kỳ.

Cũng tại Diễn đàn, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, để đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai thì cần có những giải pháp mang tính đột phá. Trong phát triển kinh tế - xã hội, nước ta có 02 vấn đề quan trọng cần đảm bảo, một là an ninh năng lượng, hai là an ninh lương thực. Trước đây, chúng ta đã có một quyết định quan trọng đó là chuyển giá gạo sang cơ chế thị trường, quyết định này đã có những hiệu quả có thể nói là diệu kỳ.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long – Chuyên gia kinh tế, than đá, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên là ba loại nhiên liệu hóa thạch được sử dụng phổ biến để phát triển điện ở nhiều quốc gia. Trong đó, điện khí LNG là loại năng lượng kỳ vọng giúp giảm phát thải carbon, nhờ đó giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực lên môi trường và bầu khí quyển.

Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được sử dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt thay thế khí khô phục vụ cho nhu cầu khí của các nhà máy điện. Điện khí LNG còn có ưu điểm linh hoạt, đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn do yếu tố thời tiết. LNG được coi là “nhiên liệu cầu nối” trong quá trình chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang các loại nhiên liệu xanh, sạch, thân thiện với môi trường hơn, nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng cho sự phát triển bền vững của các quốc gia.

Phát triển điện khí LNG giúp tăng hiệu quả trong sản xuất điện, giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than, giảm phát thải, bảo vệ môi trường và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, có nhiều biến số cho phát triển điện khí LNG ở Việt Nam, khi phải đối mặt với nhiều thách thức về thị trường, nguồn vốn và chính sách.

Theo Quy hoạch điện VIII, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhiệt điện khí (trong đó có nhiệt điện LNG) rất cần thúc đẩy sự phát triển thị trường khí LNG tại Việt Nam hiệu quả, cạnh tranh và bền vững. Khi ngành công nghiệp khí LNG phát triển thuận lợi sẽ đóng góp tích cực vào an ninh năng lượng và phát triển bền vững của đất nước.

Tại Diễn đàn diễn ra sôi nổi, nhiều vấn đề quan trọng được đưa ra bàn thảo. Ban Tổ chức sẽ tổng hợp những ý kiến đóng góp từ chuyên gia, khách mời, từ đó gửi đến những cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách góp phần đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững.

Thanh Tùng