Đà Nẵng: Thực trạng sữa không rõ nguồn gốc 'len lỏi' vào từng hộ dân

Admin
(SHTT) - Khi tiến hành kiểm tra số nhà 42 đường Phạm Cự Lượng (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), cơ quan chức năng phát hiện một người đang tụ tập người dân để chào bán thực phẩm chức năng là các sản phẩm sữa không rõ nguồn gốc.

Cụ thể, Công an phường An Hải Đông đã phối hợp với các lực lượng chuyên môn tiến hành kiểm tra số nhà 42 đường Phạm Cự Lượng. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện một nhân viên bán hàng thực phẩm chức năng đang tụ tập mua bán, chèo kéo khách hàng mua các sản phẩm sữa không rõ nguồn gốc.

Qua kiểm tra sơ bộ, số hàng nói trên không có giấy tờ nguồn gốc hàng hóa, người bán không cung cấp được các loại giấy tờ theo quy định. Nhận thấy lô hàng có nhiều điểm nghi vấn về chất lượng, nguồn gốc, lực lượng chức năng đã tiến hành niêm phong và đưa về Công an quận Sơn Trà tiếp tục các bước điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tổng số lượng hàng hóa bị thu giữ bao gồm: 30 sữa lon 200gr, 12 hộp sữa 800gr và 11 hộp miếng dán. Loại sữa bị thu giữ có tên Sữa hạt Bama Gold.

sua khong ro nguon goc

 

Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, tình trạng kinh doanh sữa không nhãn mác, sữa cận hạn sử dụng, hết hạn sử dụng, sữa nhập lậu diễn ra khá phổ biến. Ngoài việc sử dụng sữa sản xuất trong nước và nhập khẩu chính ngạch, người tiêu dùng thành phố còn tiêu thụ một lượng lớn sữa nguyên liệu dùng để chế biến thực phẩm như bánh kem, bánh kẹo, bột ăn dặm cho trẻ em và sữa đóng hộp nhập lậu.

Theo các chuyên gia, việc sản xuất gia công sữa không bảo đảm vệ sinh, kém chất lượng sẽ làm tăng nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật trong sản phẩm, có thể gây ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy. Nếu dùng thường xuyên loại sữa không an toàn này, cơ thể sẽ bị suy dinh dưỡng, kém phát triển về thể chất, trí tuệ, giảm tuổi thọ, suy gan, suy thận, về lâu dài có thể gây ung thư.

Hiện trên thị trường sữa ở Việt Nam có khoảng 500 loại sữa với nhiều thương hiệu, chủng loại. Sản phẩm nào cũng được quảng cáo chất lượng vượt trội, nhưng thực tế có đúng như vậy không thì người tiêu dùng không thể biết. Họ như lạc vào ma trận sữa và rất khó để nhận biết đâu là sữa giả. Vì vậy, đáng lo ngại nhất là có những cơ sở sản xuất, chế biến sữa đã làm ăn gian dối, sản xuất sữa giả, sữa kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sữa là thực phẩm thiết yếu với mọi đối tượng, nhất là trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh. Sản phẩm sữa giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và trí não của trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước. Cần sự kiểm soát nghiêm ngặt của các cơ quan quản lý nhà nước, xử phạt nghiêm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa không bảo đảm an toàn. Người tiêu dùng cần thận trọng tìm hiểu nguồn gốc, chất lượng sản phẩm sữa trước khi mua, kịp thời thông báo với cơ quan thanh tra y tế, quản lý thị trường về những sản phẩm sữa có dấu hiệu nghi ngờ giả, kém chất lượng.

Minh Tú