Công ty TNHH Y dược cổ truyền Dược Minh Quang Đường do ông Tô Văn Quảng là giám đốc, có địa chỉ tại: Thôn 2, xã Nông Trường, huyện Triệu sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đội Quản lý thị trường số 10 đã phối hợp với Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Thanh Hóa tiến hành kiểm tra đột xuất địa chỉ trên.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa phát hiện, Công ty TNHH Y dược cổ truyền Minh Quang Đường đang kinh doanh và tổ chức đóng gói, dán nhãn hàng hóa và xuất bán ra thị trường. Tuy nhiên, chủ cơ sở là ông Tô Văn Quảng chưa xuất trình được bất cứ giấy tờ nào có liên quan đến hàng hóa và hoạt động sản xuất, đóng gói hàng hóa của công ty.
Theo đó, Đội Quản lý thị trường số 10 đã phát hiện gồm 678 lọ/hộp là thực phẩm chức năng các loại, 39 kg là nguyên liệu phục vụ cho đóng gói, dán nhãn và 01 máy in là phương tiện phục vụ cho việc đóng gói. Tất cả số hàng hóa trên có dấu hiệu vi phạm, nên lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã niêm phong và tạm giữ toàn bộ hàng hóa để tiếp tục xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định.
Có thể thấy, hiện tại, số lượng thuốc, thực phẩm chức năng giả xâm nhập vào hệ thống cung ứng thuốc và đến tay bệnh nhân ngày càng gia tăng. Đây là vấn đề nhức nhối trong xã hội.
Tước đó, tại hội thảo “Thuốc và thực phẩm chức năng giả: Hiện trạng và giải pháp”, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường từng cho biết, thuốc và thực phẩm chức năng bị làm giả gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp làm ăn chân chính; quyền lợi người tiêu dùng; uy tín của nền kinh tế Việt Nam; đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe và cơ hội chữa bệnh của người tiêu dùng, hệ lụy để lại cho mỗi người và toàn xã hội.
Chỉ ra nguyên nhân của hành vi làm giả thuốc và thực phẩm chức năng, theo ông Nguyễn Đức Lê: Thứ nhất, lợi nhuận của hành vi sản xuất, buôn bán thuốc và thực phẩm chức năng giả là rất lớn; thứ hai, ý thức của người tiêu dùng chưa cao, vẫn tự ý mua thuốc không qua kê đơn tại các hiệu thuốc hoặc trên các chợ mạng; thứ ba, thương mại điện tử phát triển vượt bậc dẫn đến các đối tượng lợi dụng để bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Thứ tư, việc giám định thuốc hoặc thực phẩm chức năng đòi hỏi kinh phí lớn và thời gian dài để thẩm tra, xác minh; thứ năm, sự vào cuộc của doanh nghiệp, Hiệp hội có liên quan chưa cao, chưa đồng bộ, xuyên suốt; thứ năm, lực lượng quản lý thị trường còn cần được đào tạo chuyên sâu về kiến thức liên quan đến thuốc và thực phẩm chức năng cũng như thông tin kịp thời về thuốc, thực phẩm chức năng giả hoặc xâm phạm quyền.
“Riêng ngành dược, trong đó có thuốc và thực phẩm chức năng là các sản phẩm mang tính chất đặc thù. Bằng phương pháp thông thường, chúng tôi không thể dễ dàng phát hiện thật giả một cách chính xác. Việc kiểm nghiệm thành phần, chất lượng thuốc... là phương pháp được lựa chọn tối ưu để xác định độ thật giả của một sản phẩm. Tuy nhiên, chúng ta cần một khoản kinh phí lớn và thời gian dài để đánh giá, điều tra. Đây cũng là rào cản lớn trong việc phát hiện và xử lý kịp thời vấn nạn thuốc và thực phẩm chức năng giả trên thị trường.
Bên cạnh đó, mặc dù lực lượng Quản lý thị trường được phân bổ rộng rãi trên khắp cả nước nhưng vẫn không đủ để đối đầu với đối tượng gian lận với số lượng đông đảo và ngày càng tinh vi, đến từ các ngành nghề khác nhau. Nói một các khác, lực lượng biên chế quản lý quá mỏng, dẫn đến việc phát hiện, xử lý, chống hàng giả còn gặp rất nhiều khó khăn và hạn chế trên thực tế...”, ông Nguyễn Đức Lê nhấn mạnh.
Hà Anh