Doanh nghiệp logistics Việt Nam: Quy mô nhỏ, ít kinh nghiệm
Thông tin tại hội thảo Phát triển thị trường dịch vụ logistics cho doanh nghiệp được Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Hà Nội sáng 20-4 cho biết, dịch vụ logistics là ngành có tiềm năng phát triển rất lớn. Theo báo cáo của Researchandmarkets.com, quy mô thị trường logistics toàn cầu ước đạt 3.215 tỷ USD vào năm 2021, tăng 17,6% so với năm 2020. Điều này cho thấy ngành logistics vẫn có tiềm năng phát triển rất lớn. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, hiện nay 95% doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ, hạn chế cả về vốn, nhân lực, cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Tham luận tại hội thảo, nhiều ý kiến khẳng định, năm 2020 được đánh giá là một trong những năm khó khăn cho nền kinh tế nói chung và lĩnh vực logistics nói riêng, thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Trong khi một số nơi, hoạt động logistics bị ngưng trệ vì dịch bệnh, một số phân khúc khác như logistics phục vụ thương mại điện tử lại trở nên quá tải vì số lượng người mua hàng và đơn giao hàng tại nhà tăng đột biến.
Ông Nguyễn Quốc Phương, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam cho biết, hiện nay thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không trong nước chỉ chiếm 12%, 88% còn lại nằm trong tay 75 hãng hàng không nước ngoài có đường bay đến Việt Nam. Bên cạnh cơ hội thấy rõ khi dư địa tăng trưởng cho dịch vụ logistics hàng không hiện rất lớn, song theo ông Nguyễn Quốc Phương, ngành hàng không đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ngoài khủng hoảng kinh tế dưới tác động của dịch Covid-19, còn khó khăn bởi giá xăng dầu dao động ở biên độ lớn, thị trường vận tải hàng không phụ thuộc theo mùa, cảng hàng không chưa thể hiện vai trò kết nối giữa hãng hàng không với các doanh nghiệp giao nhận và hành khách…
Là doanh nghiệp phát triển dịch vụ hậu cần thương mại điện tử trên nền tảng công nghệ số với mạng lưới khắp 63 tỉnh, thành phố, Công ty cổ phần Giao hàng tiết kiệm cho biết, nguồn cung bất động sản logistics rất khan hiếm và mức giá thuê cao, nhất là tại các thành phố lớn.
Đẩy mạnh mạng lưới
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay, Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22-2-2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14-2-2017 về việc phê duyệt kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã đặt mục tiêu: “Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5%-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP”.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, các ý kiến tham luận tại hội thảo cho rằng, giải pháp quan trọng là cần đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Từ đó, thúc đẩy sự chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tạo dựng niềm tin giữa các doanh nghiệp, đồng thời hình thành mạng lưới các doanh nghiệp lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, từng bước giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Để logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ông Nguyễn Quốc Phương, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam nêu ý kiến, cần thực hiện đầu tư đồng bộ để bảo đảm kết nối giao thông thuận tiện đến các cảng hàng không, đặc biệt là với các trung tâm logistics; sớm hoàn thành quy hoạch nhà ga hàng hóa, dành quỹ đất để phát triển kết cấu hạ tầng hàng không theo chiến lược. Bên cạnh đó, cần ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để huy động và sử dụng vốn có hiệu quả cho đầu tư phát triển logistics hàng không tại một số cảng hàng không có sản lượng chưa cao.
Trong khi đó, bà Ngô Thị Trúc Anh, Giám đốc Bộ phận vận chuyển, Lazada Việt Nam cho biết, để dịch vụ logistics phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, rất cần sự đầu tư công nghệ của doanh nghiệp vào hạ tầng logistics, tự động từ đo kích thước và cân hàng hóa, chia hàng tới từng điểm, số hóa các khâu từ giao hàng đến thanh toán...
Còn đại diện Công ty cổ phần Giao hàng tiết kiệm thì nêu kiến nghị, cần hoàn thiện chính sách phát triển về dịch vụ logistics, ưu tiên đầu tư hạ tầng logistics bằng cách mở rộng quỹ đất, đầu tư hoàn thiện hạ tầng, rà soát quy hoạch đầu tư xây dựng các trung tâm kho vận lớn, tập trung; nâng cấp kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải, giảm các khoản phí hạ tầng, phụ phí bến bãi. Bên cạnh đó là tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và những thành tựu công nghệ trong lĩnh vực logistics nhằm cho phép tối ưu hóa các nguồn lực.
Theo Hà Nội Mới