Được biết, cả 3 nhãn hiệu gạo: Tép hành Cà Mau, Tài nguyên đục Cà Mau và Một bụi lùn Cà Mau đều được Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vào đầu năm 2018.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, hiện nay diện tích sản xuất 3 giống gạo nêu trên rất ít do bị thay thế bằng các giống có năng suất, giá thành cao hơn. Cụ thể, giống lúa Tép hành hiện không còn diện tích sản xuất; giống lúa Một bụi lùn chỉ sản xuất tại huyện U Minh, với khoảng 579 ha; giống lúa Tài nguyên đục Cà Mau còn sản xuất tại các huyện U Minh, Trần Văn Thời và TP. Cà Mau nhưng diện tích chỉ còn khoảng 1.550 ha.
Hiện đơn vị quản lý các nhãn hiệu gạo nêu trên đã giải thể và chi phí thực hiện đăng ký lại nhãn hiệu chứng nhận khá lớn. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đồng ý chấm dứt quyền sở hữu 3 nhãn hiệu chứng nhận gạo nói trên.
Ngoài chấm dứt quyền sở hữu 3 nhãn hiệu chứng nhận gạo, Chủ tịch UBND tỉnh này cũng vừa ký quyết định thu hồi Giấy chứng nhận 9 sản phẩm OCOP:
Nước mắm Mạch Long 50 độ đạm; nước mắm Mạch Long 40 độ đạm; nước mắm Mạch Long loại 1; nước mắm Mạch Long loại 2; nước mắm Mạch Long loại 3 của Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại xuất khẩu Đại Phát, ở ấp Hòa Trung, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước.
Sản phẩm Nha đam Cô Ba Gần của hộ kinh doanh Cô Ba Gần, ở ấp Tân Đức, xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi.
Tôm sấy giòn; tôm khô Minh Đức; tôm thẻ khô Minh Đức của Hợp tác xã Minh Đức, ở ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi.
Các sản phẩm trên bị thu hồi Giấy chứng nhận là do chủ thể đã dừng sản xuất và chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh khác; không có khả năng khôi phục lại sản xuất; đang thực hiện các thủ tục giải thể hợp tác xã.
Các sản phẩm bị thu hồi Giấy chứng nhận sẽ không được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP (logo OCOP) để in, dán trên bao bì, nhãn mác các sản phẩm nói trên.
Phạm Tuấn