Bát nháo mua bán đất ở Tây Nguyên

Quyền Trung
Thị trường bất động sản ở Tây Nguyên đang bát nháo hơn bao giờ hết trước tình trạng vẽ dự án ma rồi chào bán, lách luật để chia nhỏ đất nông nghiệp

Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai đã yêu cầu 4 trang tin điện tử đính chính thông tin chưa chính xác về dự án quy hoạch khu dân cư thôn Ia Ring, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê.

5-anh-hoang-thanh-16190986908191982532773

Khu dân cư ở nông thôn tại xã Đắk Djrăng được vẽ thành dự án bất động sản kết hợp du lịch Golden Light - Mang Yang Town. Ảnh: HOÀNG THANH

Vẽ "dự án ma"

Trước đó, 2 cá nhân trúng đấu giá 91 lô đất tại thôn Ia Rinh với giá từ 100-175 triệu đồng/lô. Sau đó, những người này "hô biến" thành khu dân cư hiện đại "Nam Pleiku"; quảng cáo rộng rãi, rao bán với giá khoảng 500 triệu đồng/lô. Nhiều trang mạng xã hội, website đã đăng tải dự án "bánh vẽ" này. Hiện các trang này phải cải chính thông tin.

Cuối năm 2019, UBND huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai đã phê duyệt kết quả đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Đắk Ta Ley và xã Đắk Djrăng. Trong số 83 lô đất được đấu giá ở xã Đắk Djrăng, bà Hồ Thị Hiền (trú phường Yên Đỗ, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) trúng đấu giá 79 lô, diện tích từ hơn 260 m2 đến 400 m2. Một lô đắt nhất chỉ 269 triệu đồng, còn đa phần chỉ hơn 65 triệu đồng/lô, cao hơn giá khởi điểm chút ít.

Sau khi trúng đấu giá, bà Hiền đã "vẽ" lên dự án bất động sản kết hợp du lịch Golden Light - Mang Yang Town, do Công ty TNHH Phú Lợi Hưng (bà Hiền làm giám đốc) làm chủ đầu tư, với 79 sản phẩm là đất nền và đất nền kèm nhà.

"Dự án" này sau đó đã được quảng bá rầm rộ với nhiều tiện ích rồi tổ chức lễ khởi công, dán panô quảng bá, phát tờ rơi tại nhiều nơi, chào bán 3,6 triệu đồng/m2 (tức từ trên 540 triệu đồng đến 1,4 tỉ đồng/lô).

Theo ông Hồ Ngọc Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Djrăng, việc quảng bá là dự án đất nền, khu tiềm năng nghỉ dưỡng, homestay, vị trí thuận lợi, gần trường học, chợ… là sai lệch với thực trạng, gây hiểu lầm để trục lợi. "Quỹ đất trên đấu giá quyền sử dụng đất theo từng lô để làm nhà ở nông thôn, không quy hoạch khu nghỉ dưỡng, homestay" - ông Thắng nhấn mạnh.

Sau đó, xã đã báo cáo UBND huyện để xử lý, yêu cầu tháo gỡ những thông tin không đúng sự thật.

Ông Nguyễn Kim Đại, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai, cho biết sau khi xuất hiện các trang quảng cáo về mô hình bất động sản kết hợp du lịch homestay tại xã Đắk Djrăng, sở đã có văn bản đề nghị UBND huyện Mang Yang kiểm tra, rà soát lại cũng như công bố quy hoạch chi tiết, đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy định.

Báo động tình trạng phân lô bán nền trái phép

Thời gian qua, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết đề cập đến tình trạng san gạt, phân lô bán nền trái phép đáng báo động ở TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Tình trạng này hiện vẫn tiếp tục nở rộ.

Những quả đồi đất nông nghiệp giờ đây đã bị đào sâu tạo thành những vực hàm ếch thẳng đứng. Các hồ nước nhân tạo không được rào chắn chẳng khác nào cái bẫy nguy hiểm cho người dân. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Đam B’ri, TP Bảo Lộc - xác nhận nhiều khu vực đã xảy ra tình trạng san gạt, phân lô bán nền trái phép, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Tại xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, lãnh đạo địa phương đã khuyến cáo người dân cảnh giác trước việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trong đó nổi lên những dự án chui như dự án Laputa Garden. Theo quảng cáo rầm rộ trên Facebook, dự án được thiết kế thành 18 lô, mỗi lô diện tích từ 500-800 m2, công khai niêm yết từ 2-3 triệu đồng/m2, trị giá mỗi lô đất lên đến hàng tỉ đồng… "Dự án" đã thu hút rất đông giới kinh doanh bất động sản từ TP HCM và các tỉnh, thành Đông Nam Bộ tìm mua.

Qua kiểm tra, UBND xã Xuân Trường xác nhận chủ đất do bà Phạm Thị Minh Hiếu (ngụ TP HCM) sở hữu và đã mời bà này đến làm việc. Qua làm việc, bà Hiếu cho biết không đăng tải nội dung mua bán đất ở các thửa đất mà bà sở hữu. Bà Hiếu cũng đã cam kết sử dụng các thửa đất trên đúng mục đích.

Ông Nguyễn Trọng Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường, TP Đà Lạt - khẳng định tại địa phương không có dự án nhà ở, biệt thự nghỉ dưỡng nào được cấp phép có tên gọi là Laputa Garden. Đây là khu đất sản xuất nông nghiệp, không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng, không được xây dựng các công trình kiên cố, nhà ở.

Trước tình trạng bát nháo về bất động sản ở TP Bảo Lộc, mới đây, ông Trần Đức Quận - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng - đã làm việc với UBND TP Bảo Lộc. Ông Trần Đức Quận đã chỉ ra những bất cập, tồn tại đang xảy ra tại khu vực đất 287 (hồ Nam Phương 2), yêu cầu TP Bảo Lộc cùng các sở, ban, ngành phối hợp giải quyết dứt điểm.

Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cũng đã yêu cầu các đơn vị cung cấp một số thủ tục, hồ sơ liên quan đến vấn đề phân lô, tách thửa tại các khu vực này. "Việc mở đường dựa trên quy định về việc hiến đất. Đây chỉ là biện pháp mà chủ sở hữu đất tìm cách lách luật để tách thửa, phân lô bán nền. Do đó, những hoạt động mở đường, san gạt, tách thửa tại đồi chè này là sai phạm cần được xác minh, giao công an địa phương vào cuộc điều tra xử lý nghiêm" - ông Hiệp nhấn mạnh. 

Lách luật, xé nhỏ đất nông nghiệp

UBND TP Pleiku, tỉnh Gia Lai vừa có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai đề nghị chỉ đạo cơ quan thuộc sở với các địa phương kiểm tra nhu cầu sử dụng đất, hiện trạng sử dụng đất đối với các trường hợp xin tách thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo đúng quy định.

Thời gian qua, nhiều người từ nơi khác đổ về địa phương này mua các lô đất nông nghiệp rồi chia nhỏ thành nhiều thửa, tiếp tục sang tay. Theo UBND TP Pleiku, việc tách thửa nhỏ lẻ khi chủ sử dụng đất là công dân thường trú ngoài tỉnh Gia Lai có dấu hiệu của kinh doanh bất động sản trên đất nông nghiệp.

Theo Người Lao Động