Bất động sản khó tiếp cận lãi suất ưu đãi: “Con ghẻ” của ngân hàng

Trần Nhật Linh
Mặc dù đóng góp rất lớn cho kinh tế, nhưng khi gặp khó khăn vì dịch bệnh, các doanh nghiệp bất động sản dường như rất khó tiếp cận gói lãi suất ưu đãi.

Ưu đãi lãi suất, nhưng trừ bất động sản, chứng khoán

Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thống kê, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 là khoảng 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 khó khăn lớn các doanh nghiệp đang phải đối mặt, đó là: Thiếu hụt dòng tiền; chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng; lưu thông hàng hóa bị cản trở; tạm dừng sản xuất tại các khu công nghiệp; khó tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ.

Từ những tác động tiêu cực của dịch bệnh, thời gian qua, hàng loạt ngân hàng đã tung ra các gói hỗ trợ và giảm lãi suất cho vay để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, điều thấy rõ là lĩnh vực bất động sản lại bị phần lớn các ngân hàng từ chối hỗ trợ.

Điển hình, tháng 7/2021, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thông báo cắt giảm lãi suất từ 0,5 - 1%/năm tuỳ đối tượng khách hàng với quy mô hỗ trợ lên tới 1.800 tỷ đồng. Ngoài ra, Vietcombank sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình cho vay lãi suất thấp đối với các khoản vay mới nhằm hỗ trợ khách hàng trên địa bàn tỉnh, thành phố phía nam vượt qua giai đoạn khó khăn từ nay đến cuối năm.

Cuối tháng 8/2021, ngân hàng Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại TP.HCM và Bình Dương; giảm lãi suất 0,3%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại 17 tỉnh, thành phố phía nam khác. Thời gian đến ngày 31/12/2021. Mức lãi suất giảm này không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá…

ngan -hang
Vietcombank loại bất động sản ra khỏi gói hỗ trợ ưu đãi về lãi suất.

Trong khi đó, bất động sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp rất lớn cho GDP và thuế của Nhà nước. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đóng góp của thị trường bất động sản trong GDP hiện vào khoảng 7,62%, cao hơn mức Tổng cục Thống kê công bố là 4,51%. 

Đặc biệt, ngành bất động sản có khả năng lan toả đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác của nền kinh tế, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú - ăn uống và tài chính - ngân hàng.

Là ngành nghề quan trọng, nhưng khi gặp khó khăn, các doanh nghiệp bất động sản lại trở thành “con ghẻ” của ngân hàng, dù cho lâu nay bất động sản đóng góp không nhỏ cho việc kinh doanh của các ngân hàng.

Bất động sản đã là "con ghẻ" từ lâu

Ông Lê Ngọc Ninh - Tổng Giám đốc Công ty CP Rich Real Holdings chia sẻ, thời gian qua, doanh nghiệp của ông hết sức khó khăn về dòng tiền. Khi tất cả nguồn tiền thu về từ khách hàng đã bị chặn đứng hoàn toàn do dịch bệnh. Khách hàng không thanh toán theo lịch khiến doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn tài chính bổ sung từ bên ngoài để duy trì tối thiểu hoạt động, đồng thời tiếp tục phát triển các dự án và chi trả các nguồn vay bên ngoài.

Khi biết các ngân hàng tung gói hỗ trợ doanh nghiệp nhưng lại “hắt hủi” ngành bất động sản, ông Ninh cho biết không bất ngờ. Vì lâu nay, các ngân hàng vẫn luôn “ghẻ lạnh” với ngành nghề này.

Theo ông Ninh, dù đóng góp cho nền kinh tế, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, xây dựng lại bộ mặt đô thị từ thành phố đến nông thôn và đóng góp thuế rất lớn cho nhà nước, nhưng các doanh nghiệp bất động sản rất khó tiếp cận với các gói tín dụng ngay khi dự án vừa bắt đầu. Nguyên nhân đến từ việc không chứng minh được nguồn thu nhập ổn định, cũng như tính pháp lý của các dự án. Các doanh nghiệp muốn tiếp cận vốn vay phải hoàn thành tương đối dự án, lúc này ngân hàng mới cấp tín dụng.

Doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là các dự án khu dân cư ở địa phương cần lượng vốn lớn để hoàn thiện, từ lúc mua đất, xin quy hoạch, làm hạ tầng, đóng thuế. Do vậy các doanh nghiệp thường xuyên huy động nguồn vốn trong dân với lãi suất cao, làm tăng giá đầu vào, đẩy giá bất động sản ngày càng tăng nhanh”, ông Ninh chia sẻ.

bat-dong-san1
Các doanh nghiệp bất động sản hiện đang gặp nhiều khó khăn vì không có dòng tiền để duy trì hoạt động.

Theo ông Ninh, bất động sản là những ngành nghề đầu tư mang tính lâu dài, bền vững, do vậy các ngân hàng nên có chính sách ưu tiên hơn. Khi có được nguồn vốn rẻ từ ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản có thể phát triển các dự án với chi phí thấp nhất.

Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh khiến dòng tiền duy trì hoạt động khó khăn, việc ngân hàng hỗ trợ về lãi suất và gia hạn các gói nợ đến hạn sẽ giúp doanh nghiệp bất động sản có cơ hội tiếp tục ổn định kinh doanh lâu dài, đóng góp cho nền kinh tế quốc gia.

Nhiều doanh nghiệp có doanh thu bằng 0 trong những tháng vừa qua, nhưng vẫn phải chi thường xuyên để nuôi nhân sự và đóng các loại thuế. Tôi mong rằng các ngân hàng thương mại sẽ có chính sách riêng, hỗ trợ riêng cho bất động sản, để doanh nghiệp vượt qua được cơn khủng hoảng này, khôi phục và tiếp tục phát triển các dự án”, ông Ninh nói.

Theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), kẹt tiền, kẹt vốn, bị mất thanh khoản là rủi ro và là nguy cơ lớn nhất mà các doanh nghiệp bất động sản phải đương đầu. Dù vẫn còn tài sản, nhưng do chưa bán được dẫn đến thiếu dòng tiền, nên doanh nghiệp bất động sản có thể bị chết trên đống tài sản của chính mình.

HoREA cho biết, nhiều doanh nghiệp đang phải chạy đôn chạy đáo vay mượn, thậm chí phải vay nóng trả lương, duy trì hoạt động tối thiểu để trả lãi ngân hàng, nhất là các khoản vay tín dụng đến hạn. Bởi lẽ, theo quy chế hoạt động của ngân hàng, nếu không trả được các khoản vay đáo hạn thì ngay lập tức ngân hàng tự động chuyển sang nợ xấu, hoặc nhóm nợ xấu hơn. Nếu bị xếp loại nợ xấu, nhóm nợ xấu hơn sẽ khiến doanh nghiệp lâm vào bế tắc vì không thể tiếp cận được các khoản vay mới để vượt qua khó khăn.

Nhật Linh

Nhật Linh