Thành phố Hà Nội đẩy mạnh phát triển làng nghề

Quang Thái
Hiện nay, thành phố có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 tỷ đến 20 tỷ đồng/ năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 tỷ đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương.

Các làng nghề khác nhau, mức thu nhập của các lao động cũng có sự khác nhau, như: Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng, phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) thu nhập bình quân đạt 18,5 triệu đồng/người/tháng; làng nghề truyền thống nhiếp ảnh thôn Lai Xá, xã Kim Chung (huyện Hoài Đức) thu nhập lao động bình quân đạt 10,8 triệu đồng/người/tháng; làng nghề mây tre đan thôn Thái Hòa, xã Bình Phú (huyện Thạch Thất) thu nhập bình quân đạt 11,2 triệu đồng/người/tháng…

nón
Nghề làm nón, Làng Chuông,  xã Phương Trung, huyện Thanh Oai

Đến nay, Hà Nội có 1.350 làng nghề, trong đó, 313 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện, thị xã.Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, các làng nghề đều có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm.

Để phát triển các làng nghề của Hà Nội trong thời gian tới cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước về việc khai thác và sử dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương. Có chính sách khuyến khích các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu hạn chế sử dụng các loại nguyên liệu quý hiếm, không có khả năng tái tạo (các loại gỗ quý, đất sét, đá quý), và tận dụng các nguyên liệu thiên nhiên sẵn có, dồi dào về số lượng và có thể nuôi trồng cho sản phẩm nhanh (các loại đá mềm trong lòng đất; các loại cây mây, song; cây sơn; các loại trai, ốc…); Lập quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cho các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu ; Xem xét hình thành các chợ đầu mối cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu, nhằm tạo sự ổn định nguồn cung cho hoạt động sản xuất kinh doanh; Xây dựng và thực hiện chương trình xuất khẩu hàng thủ công trên cơ sở xác định nhu cầu của thị trường và khả năng sản xuất của các làng nghề; Tiếp tục tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia các hội chợ triển lãm về hàng thủ công ở nước ngoài để tìm hiểu thị trường và nắm bắt nhu cầu của khách hàng; Tổ chức liên kết trong sản xuất kinh doanh để nâng cao năng lực sản xuất đảm bảo chất lượng hàng hóa và thời gian giao hàng theo hợp đồng đã cam kết.

Đây là cách tốt nhất để vừa nâng cao uy tín của doanh nghiệp trong quan hệ mua bán quốc tế, vừa duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của mình một cách ổn định và bền vững; Hỗ trợ vốn đầu tư cho phát triên các làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch; khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề; tăng cường kinh phí thực hiện các chương trình, dự án, đề án, mô hình hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn.

Theo Việt Nam Hội Nhập