Chuyển đổi số: Giải pháp hữu hiệu thích ứng với đại dịch Covid-19

Quang Thái
Với những khó khăn mà đại dịch Covid-19 mang tới, thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi phương thức hoạt động số được xem là giải pháp hữu hiệu mà nhiều doanh nghiệp cũng như địa phương lựa chọn để thích ứng với tình hình khó khăn hiện tại.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đặt ra thách thức lớn, khi nhiều hoạt động bị đình trệ thì thực hiện chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu hơn bao giờ hết.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh phức tạp của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp hoạt động theo phương thức truyền thống đã gặp khó khăn. Trước bối cảnh đó, yêu cầu về việc ứng dụng công nghệ trong tìm kiếm khách hàng và xuất khẩu hàng hóa trực tuyến là hướng đi tất yếu. Việc ứng dụng công nghệ để xúc tiến thương mại trực tuyến, đưa công nghệ nhiều hơn vào vận hành bộ máy quản trị, kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp kết nối với nhau tốt hơn, có điều kiện phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường, là thời điểm để các doanh nghiệp đón bắt cơ hội và xu hướng công nghệ, chuyển đổi số để trở thành động lực thúc đẩy doanh nghiệp xoay chuyển mô hình kinh doanh, thích nghi với bối cảnh phát triển mới. 

Thậm chí, ở nhiều doanh nghiệp hay nhiều địa phương đang coi việc chuyển đổi số, chuyển đổi phương thức hoạt động như một trong những giải pháp để không chỉ thích ứng với tình hình khó khăn của đại dịch, mà còn là hướng phát triển mới, phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay. 

d9755b6746f5b3abeae4
Chuyển đổi số - Xu thế tất yếu thích ứng với đại dịch Covid-19 (Ảnh minh họa)

Thực tế nếu trước đây, việc quản trị DN được hỗ trợ bởi một số phần mềm đơn lẻ như kế toán, bán lẻ, quản lý kho... thì hiện nay, các doanh nghiệp đang hướng tới giải pháp quản trị tổng thể và đồng nhất mọi hoạt động của doanh nghiệp. 

Theo báo cáo của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương, 53% dân số hiện nay đã và đang tham gia mua bán trực tuyến, tạo đà cho thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2020 tăng trưởng 18% và đạt 11,8 tỷ USD, tương đương 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước.

Trong khi đó, năm 2020 cũng đã có 30% doanh số bán lẻ được thực hiện thông qua các ứng dụng trên Internet và 33% người tiêu dùng Việt Nam đã thực hiện chuyển tiền trực tiếp trên mạng khi tham gia mua sắm trực tuyến.

Việc hiện đại hóa các cách thức tiếp cận và đáp ứng nhu cầu thanh toán trực tuyến từ khâu đặt hàng đến nhận hàng của người tiêu dùng đã giúp một số doanh nghiệp vượt qua được các thời kỳ khó khăn của dịch bệnh và đạt mức tăng trưởng về doanh thu như Tiki, Speed Lotte hay Co.opmart, BigC hay VinID...

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê do Bộ Công Thương và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tiến hành đối với gần 2.700 doanh nghiệp thuộc 18 nhóm ngành công nghiệp về độ sẵn sàng tiếp cận với các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có tới 82% doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc; 61% doanh nghiệp còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp mới bắt đầu nhập cuộc.

Mặc dù, Chính phủ cùng các cơ quan chức năng đang khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, nhất là đối với các ngành dịch vụ, y tế, giao thông vận tải, du lịch... song vẫn còn nhiều lĩnh vực chưa tạo được những bước tiến đáng kể như mong đợi.

Trong khi các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ còn rất mơ hồ về khái niệm chuyển đổi số thì phần lớn các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ cũng chưa có cơ hội tiếp cận các công nghệ kỹ thuật số, chưa được trang bị tư duy kinh doanh trên nền tảng số, thiếu sự thấu hiểu khách hàng, nguồn thu thập và lưu trữ dữ liệu vận hành và thiếu chiến lược kinh doanh trên nền tảng số, ông Vinh nhận định.

Hầu hết các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức vẫn chưa biết phải bắt đầu chiến lược chuyển đổi số từ đâu; tư duy ngại thay đổi, sợ rủi ro chính là rào cản lớn nhất cho quá trình chuyển đổi số của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay. Chuyển đổi số đang thiếu lộ trình cụ thể và thiếu sự cân bằng giữa công nghệ và các nguồn lực nội bộ tại các doanh nghiệp.

Để chuyển đổi số doanh nghiệp đạt hiệu quả, đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, hiện đại hóa về công nghệ và tái cấu trúc chiến lược phát triển để thay đổi mới mô hình hoạt động, trong đó phải chú trọng chuyển đổi số, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu.

Các doanh nghiệp dù ở quy mô nào, dù lớn hay nhỏ đều phải hướng tới những chuẩn mực quốc tế về đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững. Trong xu thế hội nhập, Việt Nam có nguồn lao động dồi dào và với chi phí thấp sẽ không còn là những lợi thế cạnh tranh trong những thập kỷ tới. Vì vậy, đổi mới, sáng tạo là xu thế tất yếu. Đổi mới sáng tạo phải bắt đầu từ doanh nghiệp, trong đó số hóa trong quản trị hoạt động doanh nghiệp là điều cần sự quan tâm thích đáng.

Quang Thái

Quang Thái (t/h)